- Ngày 29/12/1967,ậuThânĐiềuchỉnhnhỏtrongkýứcnguyênPhóThủtướngVũkết quả bống đá hôm nay trong cuộc chiêu đãi chào mừng Ngoại trưởng Mông Cổ sang thăm nước ta, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã nhắc lại tuyên bố với một sự điều chỉnh...
Xuân năm nay đánh dấu một sự kiện có ý nghĩa lịch sử - 50 năm nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) tạo ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có bài viết dành riêng cho VietNamNet về mũi tiến công ngoại giao trong sự kiện lịch sử năm 1968:
Khi đưa quân vào miền Nam nước ta để trực tiếp tham chiến, đồng thời gia tăng ném bom bắn phá miền Bắc vào đầu năm 1965, Mỹ đã giở con bài “cái gậy và củ cà rốt”. Trong bài diễn văn tại Baltimore ngày 7/4 năm đó, Tổng thống Hoa kỳ Johnson đã tung hỏa mù bằng cách đưa ra đề nghị về cái gọi là “cuộc thương lượng không điều kiện” (nói thẳng ra là thương lượng dưới làn mưa bom đạn của Mỹ trút xuống đầu người dân cả hai miền nước ta).
Hơn thế nữa, ông ta còn chìa ra củ cà rốt: sẽ viện trợ phát triển cho Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam 1 tỷ USD!
Biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại New York năm 1968. Nguồn: AP |
Nhận rõ âm mưu thâm độc của đối phương, ba ngày sau, từ diễn đàn Quốc hội, Bác Hồ đã dõng dạc tuyên bố: “Chúng ta yêu chuộng hòa bình nhưng chúng ta không sợ chiến tranh. Chúng ta quyết đánh đuổi bọn Mỹ xâm lược để bảo vệ tự do, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta”. Tuyên bố trên gợi nhớ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 1946 của Bác “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới…Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Theo lời kêu gọi của Người, quân dân hai miền Nam - Bắc đã anh dũng chiến đấu, giành nhiều thắng lợi ròn rã. Ở miền Nam đánh thắng các cuộc phản kích chiến lược của địch Mỹ trong các năm 1965 - 1967; ở miền Bắc, từ tháng 2/1965 tới tháng Giêng năm 1968, 3.243 máy bay Mỹ bị bắn rơi! Những thắng lợi vang dội đó đã tạo ra “thế” mới cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 cũng như mũi tiến công ngoại giao khai hỏa vào năm 1967.
Thực ra ngay từ cuối năm 1965, phát biểu tại hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 12 (khóa 3), Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã nhấn mạnh:”Vấn đề đánh và đàm không phải là vấn đề hoàn toàn mới. Trong lịch sử nước ta, Nguyễn Trãi đã thực hiện chiến lược lấy yếu đánh mạnh, có đánh có đàm…
Về mặt quân sự, chúng ta không chủ trương đánh và tiêu diệt đến tên lính Mỹ cuối cùng ở miền Nam và bắt đế quốc Mỹ đầu hàng không điều kiện, mà chúng ta chủ trương đánh đến lúc làm tan rã ngụy quân về cơ bản, đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng của quân Mỹ, do đó mà đập tan được ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải thừa nhận những điều kiện của chúng ta! Như vậy, vấn đề có đánh có đàm hoặc vừa đánh vừa đàm là một sách lược gắn liền với đường lối chính trị và quân sự nói trên. Tất cả đường lối và sách lược ấy đều nằm trong chiến lược lấy yếu đánh mạnh của chúng ta”.
Theo tinh thần đó, sách lược “vừa đánh vừa đàm” đã được khẳng định tại hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 13 (khóa 3) họp vào tháng Giêng năm 1967. Nghị quyết hội nghị nêu rõ: “Đi đôi với đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam, ta cần tiến công địch về mặt ngoại giao…đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu… làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao… Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường…Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng tích cực và chủ động…”.
Đồng thời, hội nghị đã nêu 3 phương châm trên mặt trận ngoại giao: Phát huy thế mạnh, thế thắng của ta; chủ động tiến công địch; giữ tính độc lập đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Sở dĩ hội nghị Trung ương lần đầu tiên nêu phương châm “giữ tính độc lập” một phần xuất phát từ những bài học rút ra qua hội nghị Genève năm 1954, khi các nước lớn đã dàn xếp phương án chia cắt đất nước ta và phần khác do giữa các nước XHCN, nhất là giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày càng bộc lộ mâu thuẫn nghiêm trọng, kể cả thái độ đối với cuộc chiến tranh Việt Nam: nước này muốn thúc đẩy thương lượng, nước khác lại chưa muốn!
Hội nghị cũng quyết định trước mắt tập trung vào khẩu hiệu “đòi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện, vĩnh viễn việc ném bom và mọi hành động khác chống miền Bắc nước ta”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh. Ảnh tư liệu TTXVN |
Cuộc tiến công ngoại giao được mở màn trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân như sự chuẩn bị dư luận về thiện chí của ta, đồng thời như một cách đánh lạc hướng đối phương về một cộc tổng tiến công sắp nổ ra. Ngày 27/3/1967, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Australia W. Burchet, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đã nhấn mạnh “chỉ sau khi Mỹ thực hiện điều này (tức là chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom và các hành động quân sự khác đối với miền Bắc nước ta) thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ có thể nói chuyện được”.
Tới cuối năm, ngày 29/12/1967, trong cuộc chiêu đãi chào mừng Ngoại trưởng Mông Cổ sang thăm nước ta, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã nhắc lại tuyên bố trên với một sự điều chỉnh: thay cho cụm từ “có thể nói chuyện được" bằng cụm từ “sẽ nói chuyện về những vấn đề liên quan”. Người viết bài này còn nhớ như in rằng, lúc đó được phân công phiên dịch bài diễn văn đã được Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh dặn dò rất kỹ phải dịch thật chuẩn xác sự điều chỉnh “nhỏ” nói trên! “Điều chỉnh nhỏ” ấy lập tức gây tiếng vang rộng lớn trên thế giới.
Nếu như trả lời phỏng vấn của Bác Hồ ngày 26/11/1953 cho tờ báo Expressen của Thụy Điển mở đường tiến tới hội nghị Genève thì tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã mở đường cho hòa đàm Paris. Như vậy là, một lần nữa “nghệ thuật ngoại giao” sử dụng sức mạnh của truyền thông để khai mào cho mũi tiến công ngoại giao đã phát huy tác dụng.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân cùng những thắng lợi trong sự chống trả chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc đã đập tan ý chí xâm lược của đối phương và mũi tiến công ngoại giao của ta đã buộc chúng phải tiếp nhận điều kiện của ta. Ngày 31/3/1968, Mỹ đã phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc nước ta, trừ khu vực phía Bắc khu phi quân sự, và hai tháng sau, đoàn Mỹ và đoàn miền Bắc bắt đầu nói chuyện ở Paris.
Tới ngày 31/10/1968, Mỹ phải tuyên bố hoàn toàn chấm dứt ném bom trên toàn lãnh thổ miền Bắc. Chỉ có vậy, ngày 25 tháng Giêng năm sau, cuộc đàm phán 4 bên mới bắt đầu, đưa tới việc ký “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” vào 5 năm sau, tức là ngày 27 tháng Giêng năm 1973, tạo ra cục diện thuận lợi mới để rồi 2 năm sau, quân dân ta đã tiến hành cuộc tổng tiến công kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc tiến công ngoại giao kết hợp với cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân ở miền Nam đã để lại nhiều bài học quý giá.
Ở vào thế tương đối yếu về sức mạnh vật chất nhưng lại phải đối phó với các thế lực ngoại xâm có sức mạnh vật chất vượt gấp nhiều lần, tạo dựng sức mạnh tổng hợp luôn luôn là một bảo bối thần diệu. Chủ trương tiến hành đấu tranh trên cả 3 mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao gắn bó chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, tác động qua lại lẫn nhau đã tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn gấp bội sức mạnh vật chất vốn có để giành thắng lợi.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris, 27/1/1973). Ảnh tư liệu |
Ngày nay, công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục đòi hỏi phải tạo dựng cho được sức mạnh tổng hợp của mọi lĩnh vực, mọi lực lượng kết hợp với sự đồng tình, ủng hộ từ phía bạn bè, đối tác quốc tế mới có thể thành công. Mặc dầu nội lực luôn đóng vai trò quyết định (không có chiến thắng Điện Biên thì đâu có hiệp định Genève 1954? Không có Xuân Mậu Thân thì đâu có đàm phán Paris năm 1968? Không có chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 thì đâu có hiệp định Paris 1973) nhưng đấu tranh ngoại giao luôn hỗ trợ rất đắc lực và củng cố vững chắc cho thắng lợi trên các khác.
Một nhân tố khác làm nên thắng lợi là việc xác định chuẩn xác chiến lược và sách lược theo tinh thần chiến lược phải vững chắc, sách lược phải linh hoạt. Tiếp nối dòng chảy lịch sử của sự nghiệp giữ nước lâu dài của dân tộc, chiến lược, sách lược trong các cuộc kháng chiến cứu nước luôn mang trong mình những truyền thống của ông cha ta đánh giặc, lấy yếu thắng mạnh, lấy chữ nhân thắng cường bạo, lấy sách lược linh hoạt về kế sách để hóa giải mưu thâm độc của đối phương.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quán triệt mục tiêu chiến lược là bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chúng ta đã khôn khéo vận dụng sách lược theo triết lý phương Đông “biết mình, biết người, biết thời thế”. Phát biểu của đồng chí Lê Duẩn tại hội nghị Trung ương lần thứ 12 (khóa 3) được trích dẫn ở trên cho thấy chúng ta luôn biết rõ mình và đối phương, từ đó vạch ra mục tiêu thỏa đáng, vận dụng sách lược khôn khéo, tạo dựng và tận dụng thời thế thích hợp để đi tới thắng lợi.
Bài học này vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, khi thế và lực của đất nước tuy đã lớn mạnh hơn trước nhiều song nước ta vẫn là một nước đang phát triển, tổng lực quốc gia và vị thế quốc tế còn những mặt hạn chế nhất định.
Bước vào Mậu Tuất, ôn lại những bài học của Xuân Mậu Thân, chúng ta không chỉ hồi tưởng những trang sử hào hùng, sáng lạn của các thế hệ đi trước mà còn nên suy ngẫm và vận dụng những bài học quý báu về cách ứng xử cần có trong một thế giới đầy biến động như ngày nay.
Sáng nay, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo TƯ và Thành ủy TP.HCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia tại TP.HCM.