Thông thường, đuối nước ở trẻ em ngoài do sự chủ quan của ông bà, cha mẹ phải kể đến nguyên nhân chủ yếu là tình trạng trẻ không biết bơi, thiếu những kiến thức, nhận thức về an toàn dưới nước. Do vậy, để phòng tránh đuối nước ở trẻ em, nhất là trong dịp hè, mùa mưa bão, trên hết trang bị cho trẻ những kỹ năng bơi lội, dạy cho trẻ cách tự cứu mình.
Thông thường, đuối nước ở trẻ em ngoài do sự chủ quan của ông bà, cha mẹ phải kể đến nguyên nhân chủ yếu là tình trạng trẻ không biết bơi, thiếu những kiến thức, nhận thức về an toàn dưới nước. Do vậy, để phòng tránh đuối nước ở trẻ em, nhất là trong dịp hè, mùa mưa bão, trên hết trang bị cho trẻ những kỹ năng bơi lội, dạy cho trẻ cách tự cứu mình.
Theo ông Cao Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LÐ-TB&XH, để phòng tránh đuối nước cho trẻ, giải pháp hữu hiệu nhất chính là trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết khi bơi lội hay khi té nước. Từ đầu năm đến nay, Sở LÐ-TB&XH phối hợp với nhiều đơn vị trên địa bàn mở nhiều lớp bơi lội miễn phí và nhiều lớp tập huấn cán bộ đoàn, hội và mạng lưới cộng tác viên ấp, khóm ở địa phương về phòng tránh đuối nước cho trẻ em.
Ý thức phụ huynh nâng cao
Khác với những năm trước, vào dịp hè, chỉ một số ít phụ huynh đưa con em mình đến các cơ sở dạy bơi để học thì năm nay số lượng các em đến học đông hơn, nhất là khu vực thành thị. Theo thống kê của Nhà Thiếu nhi tỉnh, tính đến thời điểm này đã mở được 6 lớp bơi cho hơn 300 em từ độ tuổi 7-14.
Các em thiếu nhi thành thị được tiếp cận với các lớp dạy bơi thuận lợi hơn vùng nông thôn. |
Ði về hơn chục cây số, chị Trương Ái Ðiều, Ấp 2, xã Tân Thành, TP Cà Mau, vẫn đều đặn chở con mình đến lớp học bơi tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Chị chia sẻ: “Con gái tôi cũng đã 10 tuổi rồi mà chưa biết bơi. Nghe nhiều thông tin về tình trạng đuối nước cũng sợ nên đưa cháu đến học để phòng thân, có đi đâu chơi xa, sông nước cũng đỡ lo”.
Cùng suy nghĩ như chị Ðiều, chị Bào Thị Thanh Thuý, Khóm 6, Phường 9, TP Cà Mau, bộc bạch: “Khoá này cũng là khoá học thứ 2 của cháu rồi. Thấy bơi chưa rành nên hè này cho cháu học tiếp. Nhà bên nội ở dưới quê, sông rộng, ao đìa nhiều, lỡ đi trượt chân cháu cũng biết tự cứu mình”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều cơ sở dạy bơi cho trẻ. Thông thường, mỗi lớp dạy 1 tháng (khoảng 20 buổi) thì trẻ đã có khả năng bơi lội. 22 năm dạy môn bơi lội cho trẻ em, huấn luyện viên bơi lội Nhà Thiếu nhi tỉnh, thầy Ðinh Hữu Toàn, cho biết: “Trước tiên dạy trẻ làm quen với nước, thở nước, lướt nước, tập các động tác tay chân, rồi tay chân kết hợp với thở. Thông thường trẻ từ 8-14 tuổi học xong quy trình này là biết bơi, còn trẻ nhỏ hơn thì tuỳ. Ngoài ra còn tập cho các em kỹ năng khi té nước hay thấy người khác té nước để phòng tránh. Năm nay, các lớp học đông lắm, phụ huynh đăng ký rất nhiều, đến thời điểm này vẫn còn đăng ký nhưng đã ngưng nhận”.
Khó khăn dạy bơi vùng nông thôn
Nhìn chung ý thức phụ huynh trong việc phòng tránh đuối nước cho con em mình đã nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, không phải nơi đâu cũng đủ điều kiện để họ có thể đăng ký học bơi cho con em mình, nhất là vùng nông thôn, thiếu cơ sở vật chất dạy cho trẻ. Ông Ðặng Hoàng Thành, Phó Bí thư Huyện đoàn huyện Thới Bình, than: “Mặc dù công tác phòng chống đuối nước năm nay được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn, ý thức phụ huynh cũng nâng cao hơn trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ nhưng điều kiện dạy bơi ở vùng nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn”.
Nguồn nước hầu hết đã nhiễm mặn là trở ngại khá lớn cho việc học bơi của các em, trong khi toàn huyện chỉ có duy nhất 1 hồ nước ngọt tư nhân hoạt động, các huấn luyện viên phải tập bơi cho các em thiếu nhi trong các ao để trống của một số hộ gia đình, điều kiện vệ sinh khó đảm bảo. Anh Tạ Văn Thi, Bí thư Xã đoàn Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tình thiệt: “Tháng 6 đến nay, Xã đoàn cũng đã tập bơi cho 22 em thiếu nhi trên địa bàn, chủ yếu là mượn tạm ao của của hộ gia đình. Nếu ao nào cạn quá thì mua bạt trải dưới đáy, tránh bùn cho các em. Ða số trẻ em vùng nông thôn sân chơi hạn chế, điều kiện đi lại khó khăn nên huy động chỉ một phần. Còn lại tổng phụ trách Ðội của các trường tập cho các em”.
Dù trong điều kiện khó khăn, nhưng tính đến nay toàn huyện đã tổ chức dạy bơi cho hơn 1.000 em thiếu nhi. Trong đó, ngành giáo dục huyện đã dạy cho hơn 700 em, còn lại các đơn vị địa bàn xã, thị trấn.
Tuy nhiên, bên cạnh việc trang bị kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước cho trẻ, dạy trẻ tự cứu mình, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình hiểu rõ nguy cơ đuối nước ở trẻ. Theo đó, cần cắm những biển báo nơi nguy hiểm để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra./.
Bài và ảnh: Hồng Nhung