Nước Pháp và thế giới chào đón Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử | |
Tổng thống Pháp điện đàm với Tổng thống Nga về tình hình Ukraine | |
Tổng thống Macron: Đối thoại với Nga cho phép đảm bảo an ninh châu Âu |
Tổng thống Emmanuel Macron giành chiến thắng trong “trận lượt về” trước đối thủ Marine Le Pen |
Trải qua nhiệm kỳ đầu “đầy vất vả”, với những thử thách không thể gai góc hơn như phong trào “Áo vàng”, Samuel Paty, vụ cháy Nhà thờ Đức Bà, đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Ukraine…, có thể nói ông Macron đã thu một số thành tích không xuất sắc nhưng cũng không tệ, đủ giúp ông ở lại Điện Elysée thêm một nhiệm kỳ.
Bất chấp những thành tích đã đạt được, nhiều kế hoạch cải cách vẫn bị bỏ dở hoặc đơn giản là không được thực hiện, khiến ông Macron như “mắc nợ với các cử tri” và không thể né tránh trong nhiệm kỳ mới, nhất là những vấn đề mà tác động của nó có liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày.
Cải thiện sức mua cho các hộ gia đình trong thời buổi giá cả hàng hóa, nhiên liệu tăng vọt và viễn cảnh kinh tế khó khăn là một trong những mối quan tâm lớn nhất của người dân Pháp. Mặc dù đã được cải thiện sau 5 năm, nhưng sức mua vẫn chưa thỏa mãn được mong mỏi của các hộ gia đình. Sức mua yếu là một trong những chỉ số cho thấy khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa người nghèo và người khá giả ngày càng nới rộng, nhất là giữa 5% người có thu nhập chưa đầy 800 euro/tháng với 1% những người giàu có nhất.
Để thay đổi tình hình, chính phủ của ông sẽ phải nỗ lực “thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn”, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế “mà không làm tăng thêm gánh nợ”, “giảm tỷ lệ thất nghiệp như những gì đã làm trong 5 năm qua để có thêm một nguồn thu tương ứng 35 tỷ euro” và “tăng tuổi nghỉ hưu, giúp ngân sách có thêm 9 tỷ euro”. Các biện pháp “số hóa, đơn giản hóa và xóa bỏ bộ máy quan liêu” để tiết kiệm ngân sách cho nhà nước cũng được ông nhắc đến.
Thách thức thứ hai là những vấn đề về khí hậu và môi trường. Đây là chủ đề dành được sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp xã hội Pháp, đặc biệt là giới trẻ. Nhiệm vụ càng trở nên nặng nề hơn khi cả nước Pháp và châu Âu muốn giảm tối đa sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong bối cảnh căng thẳng của thị trường thế giới.
Trong những nhiệm vụ trọng tâm còn lại, an ninh nội địa và quản lý người nhập cư cũng là chủ đề mà chính phủ của ông Macron phải tiếp tục có sự cải cách sau những dang dở của nhiệm kỳ trước, nhằm đảm bảo “an toàn cho cuộc sống thường nhật” của người dân. Ông Macron cam kết sẽ “thành lập 200 đơn vị hiến binh mới” để tăng cường sự hiện diện của lực lượng bảo vệ pháp luật tại các điểm nóng về trật tự trị an, nhất là các khu vực ven đô, tuyển dụng thêm hàng nghìn thẩm phán và nhân sự tòa án, đồng thời “thiết kế lại bộ luật tố tụng hình sự” và cải tổ các hội đồng tư pháp.
Xử lý mối quan hệ với Nga rõ ràng là một thách thức lớn của Macron, nhất là khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang có dấu hiệu đạt đến giới hạn, trừ phi EU nhất trí nâng cấp lệnh trừng phạt Nga về năng lượng như Mỹ. Thế nhưng ai cũng biết đây là điều khó khăn bởi một số thành viên EU, bao gồm đầu tàu kinh tế Đức, chưa thể yên tâm với viễn cảnh có một nguồn cung năng lượng ổn định thay thế Nga.
Bên cạnh đó, ông Macron cũng phải giải bài toán đoàn kết được 27 thành viên trong một khối thống nhất để hiện thực hóa các mục tiêu chung và các dự án cải cách, hội nhập cụ thể như đưa EU trở thành “thế lực về kỹ thuật số, tăng cường khả năng cạnh tranh về công nghệ xanh và sạch, đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, cải cách chính sách nhập cư và Schengen… Pháp sẽ kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch EU vào tháng 6 tới nhưng ông Macron hy vọng cách tiếp cận mới, với sự tăng cường tham vấn lẫn nhau giữa các thành viên trong khối, sẽ mang lại một nền tảng thuận lợi để ông có tiếp tục lèo lái con thuyền châu Âu hướng tới những tham vọng chung.