Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả 3 tiêu chí | |
Trung Quốc: Nới lỏng phòng dịch giúp đà phục hồi kinh tế tăng tốc | |
Nhập siêu gần 12 tỷ USD từ Trung Quốc |
Bộ Công Thương tổ chức giao ban xúc tiến thương mại định kỳ với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. |
Thị trường không còn “dễ tính”
Trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Theo Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 45 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 23,5 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù vậy, xét trong bối cảnh thương mại chung và so sánh với nhiều thị trường khác, trong quý 1/2023 vừa qua, khi nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm sâu nhưng Trung Quốc – thị trường tiêu thụ chủ lực đa dạng mặt hàng của Việt Nam, gần gũi về địa lý, thuận tiện trong thông thương, vẫn là thị trường còn nhiều điểm sáng, nhiều dư địa, nhiều kỳ vọng cho các đơn hàng trong những quý tiếp theo.
Tuy nhiên, với nhiều chủ trương, chính sách mới trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “Zero-covid” sau một thời gian dài hạn chế giao thương và mở cửa trở lại từ hồi đầu năm nay, thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính” trong nhập khẩu đối với đa dạng các mặt hàng, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm.
Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc cũng rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. Điều này đòi hỏi các cơ quan, lực lượng chức năng của Việt Nam và các doanh nghiệp cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này.
Tại hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài ngày 28/4, lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá, khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau Covid-19 thì vừa là thời cơ, vừa là thách thức rất lớn đối với chúng ta. Phải nhận diện trúng, đánh giá đúng tình hình thị trường Trung Quốc hiện nay, để khai thác thế mạnh và lợi thế đối với thị trường này.
Yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn hàng hóa
Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết, nền kinh tế Trung Quốc đã đặt ra kế hoạch và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao, phủ rộng hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu.
“Đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải thay đổi và thích ứng”, ông Trần Quang Huy lưu ý, đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Thời gian qua, chúng ta đã từng bước thay đổi và thích nghi nhưng tốc độc còn rất chậm”.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong một số lĩnh vực, ngành hàng bị cảnh cáo hoặc tạm dừng tư cách xuất khẩu do vi phạm các tiêu chuẩn theo quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc. Không ít doanh nghiệp chưa nắm được các quy định cụ thể về đăng ký trước khi xuất khẩu hoặc vẫn gặp vướng mắc trong việc đăng ký trên hệ thống CIFER của Hải quan Trung Quốc; một số doanh nghiệp đăng ký mã vùng trồng, mã có sở đóng gói để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng chưa đáp ứng đủ tất cả các điều kiện...
Theo ông Lương Văn Tài, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) lưu ý, một số chính sách, quy định, xu hướng thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Cụ thể, tháng 4/2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”, trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy triển khai các chính sách trước đây cũng như đưa ra nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng ngoại thương. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thông qua việc tiếp cận vốn, bảo hiểm xuất khẩu; tạo thuận lợi hóa thương mại, thông quan hàng hóa...
“Trung Quốc quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài (Lệnh 248), yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) dẫn đến thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chưa kịp đăng ký gia hạn doanh nghiệp trên Hệ thống CIFER của Hải quan Trung Quốc khiến hoạt động xuất khẩu của một số doanh nghiệp bị gián đoạn”, ông Lương Văn Tài lưu ý.