【tỷ lệ 2】Sống nhờ “lộc trời”

Báo Cà Mau(CMO) Từ một loại cỏ dại, mọc hoang, nhiều năm trở lại đây năn bộp đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Với ưu điểm dễ thu hoạch, giá cả đầu ra ổn định, năn bộp nhanh chóng trở thành rau sạch, được nhiều người ưa chuộng. Mùa năn bộp kéo dài từ tháng 5-11 mới dứt hẳn, nhưng rộ nhất là tháng 7, 8.

Đến mùa năn, người dân có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Cặm cụi tước từng cọng năn trắng ngần để kịp giao cho khách, bà Từ Thị Mảnh, ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, không quên quảng cáo: “Năn này ăn là khỏi chê, làm món gì cũng ngon. Ăn sống, xào, nấu canh, làm gỏi, nhúng lẩu đều ngon nên lột bao nhiêu cũng không đủ bán”.

Từ lúc năn bắt đầu vào mùa, các hộ có ruộng, vuông thay nhau thu hoạch. Do là cỏ dại mọc hoang nên chỉ cần lấy công làm lời, chịu khó đi nhổ về lột vỏ là có thể bán. Mỗi ký có giá từ 25.000-30.000 đồng, mua về có thể dùng ngay không cần sơ chế.

Bà Mảnh hớn hở: “Mỗi ngày tôi bán khoảng 10 kg, chủ yếu cho khách vãng lai chớ không bỏ mối. Thu nhập ổn định trên 200.000 đồng mỗi ngày”.

Thời tiết chuyển biến thất thường nên các hộ nuôi thuỷ sản thường lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Thế nhưng, nhờ có “lộc trời” nên thu nhập khá, ổn định. Cứ qua mỗi mùa năn là bà con có  dư chút ít.

Công việc lột năn khá dễ, ai cũng có thể làm được, từ người già, trung niên, trẻ em đều có thể tham gia. Em Hồ Hoà Nhã, 9 tuổi, ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, cho biết: “Mỗi sáng em đều phụ gia đình lột năn để bán, chiều thì đi học. Công việc nhẹ nhàng lại vui như chơi đồ hàng”.

Bà Huỳnh Thị Ái, ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, chia sẻ: “Từ lúc có năn bán, gia đình tôi kiếm thêm được chút ít. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ đi lột năn mướn  kiếm thêm chút tiền để sinh hoạt trong nhà”.

Vỏ năn sau khi lột có thể tận dụng đem ủ thành phân trồng cây rất tốt. Từ một loại cây dại mọc hoang, vốn bỏ đi, nông dân đã linh hoạt biến chúng thành những thứ có thể hái ra tiền, đồng thời góp phần làm đa dạng nguồn rau sạch, cho bữa ăn thêm ngon./.

Yến Nhi