Những tia hi vọng mới trên thị trường đang xuất hiện nhưng bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như những báo cáo mới nhất cả trong lẫn ngoài nước đã phủ bóng đen và báo hiệu rủi ro cao hơn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 1/2020. Những yếu tố cơ bản kém tích cực đang trở thành mối lo lớn hơn những diễn biến ngắn hạn từ cung cầu trong giao dịch hàng ngày.
Giao dịch trên thị trường Việt Nam đã khả quan hơn sau khi thị trường chứng khoán thế giới đang cho thấy các phản ứng tốt hơn khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất đột ngột. Tuần qua S&P 500 của Mỹ chỉ giảm nhẹ 0,ứngkhoántuầnKhókhănbủavâythịtrườngcóthểxấuhơnnữxao lac tv21%, DJIA tăng gần 0,38%. Sau đợt cắt giảm 0,5% lãi suất tuần này, giới đầu tư thậm chí còn chờ đợi một đợt cắt giảm nữa vào kỳ họp ngay cuối tháng 3 này.
Trong nước, tín hiệu lạc quan nhất là hoạt động bán ra của nhà đầu tư nước ngoài đã hạ nhiệt. Phiên cuối tuần 6/3, tổng giá trị bán ròng đối với cổ phiếu ba sàn (HSX, HNX và Upcom) thu hẹp lại còn hơn 25 tỷ đồng. Riêng với HSX, giá trị bán ròng cổ phiếu chỉ còn 21,6 tỷ đồng. Đây là thay đổi rất lớn vì trong 5 phiên gần nhất không ngày nào cổ phiếu bị bán ròng dưới 300 tỷ đồng và cao nhất là hơn 530 tỷ đồng ngày 4/3.
Tín hiệu lạc quan thứ hai là về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn chưa giảm xuống dưới mức thấp nhất ngày 28/2/2020 và mức thấp nhất ngày 4/1/2019. Đây là hai ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật then chốt vì dưới hai mốc này là một “khoảng trống mênh mông” có thể gây sợ hãi cho bất kỳ nhà đầu tư kỹ thuật nào. Nhu cầu bắt đáy tại vùng hỗ trợ vẫn khá cao, khi giá trị khớp lệnh tuần qua vẫn đạt trung bình 3.705 tỷ đồng/phiên, xấp xỉ tuần cuối tháng 2.
Tuy vậy các tín hiệu đó không chắc đã kịp phản ánh những ẩn số mới trên thị trường. Đầu tiên là tình hình lan tràn dịch bệnh Covid-19 trên thế giới trở nên khó lường. Chẳng hạn với số ca nhiễm bệnh ở Italia tăng vọt 1.247 trường hợp chỉ trong ngày thứ Bảy, nước này đã quyết định phong tỏa hàng loạt thành phố với dân số tương đương gần một phần tư toàn quốc.
Thậm chí thủ phủ tài chính Milan cũng đứng trước nguy cơ này. Ở Mỹ hàng loạt bang đã công bố tình trạng khẩn cấp mà mới nhất là New York. Trong khi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc lắng xuống thì tốc độ lây lan ở các quốc gia khác lại tăng vọt. Ngay tại Việt Nam tình hình dịch bệnh cũng có thêm các ca nhiễm mới.
Tổn thất của Việt Nam do Covid-19 theo các kịch bản của ADB. |
Yếu tố thứ hai là ngày càng có nhiều hơn những phân tích định lượng từ các tổ chức nghiên cứu độc lập hay thậm chí là cơ quan quản lý nhà nước về những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mới nhất là báo cáo của ADB công bố cuối tuần qua, với dự đoán Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong các tình huống khác nhau: Kịch bản tốt nhất, thiệt hại về GDP dự kiến ở mức 675 triệu USD và mất khoảng 122.000 việc làm. Lĩnh vực kinh doanh - thương mại và dịch vụ công, vận tải, sản xuất - xây dựng được cho là tổn hại lớn nhất.
Trước đó, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% số doanh nghiệp bị mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Mặc dù chưa có những nghiên cứu định lượng cụ thể liệu các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán bị tổn hại như thế nào, nhưng với bức tranh kinh tế chung khó khăn, cộng với các hạn chế nhìn thấy rõ về thị trường, nguồn nguyên liệu, lao động... thì không có gì khó đoán về nguy cơ sụt giảm lợi nhuận trước mắt là trong quý 1/2020.
Thực tế đợt sụt giảm lớn nhất của cổ phiếu trên sàn chủ yếu diễn ra trong tuần cuối tháng 2/2020, thời điểm VN-Index tạo đáy gần nhất. Hiện nhiều cổ phiếu vẫn chưa giảm sâu hơn đáy này nên phản ứng trên thị trường chưa hẳn là tồi tệ. Rủi ro chính là giới đầu tư sẽ phản ứng thế nào tiếp theo khi bức tranh đang ngày càng xấu hơn. Khi thông tin tiêu cực liên tục được cập nhật thì không có gì đảm bảo thị trường đã phản ánh hết. Các yếu tố kỹ thuật chỉ đúng khi thị trường được vận động một cách tự nhiên, trong bối cảnh thông tin đã xác định./.
Trọng Nghĩa