Đây mới là bước đi đầu tiên, có thể là đơn giản nhất trong các kế hoạch nhằm đưa khu vực doanh nghiệp nhà nước trở lại đường ray phát triển, nhưng dư luận lại rất chờ đợi với kỳ vọng động thái này sẽ tạo nên bước ngoặt về hiệu quả sử dụng vốn, tài sản, cách thức quản lý, cách thức tuyển chọn đội ngũ cán bộ.
Sự chờ đợi này vô cùng lớn vì một bước chuyển hiệu quả của 7 tập đoàn và 12 tổng công ty nhà nước với tổng số vốn trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản lên đến 2,3 triệu tỷ đồng về một ủy ban sẽ tác động ngay lập tức tới hiệu quả của nền kinh tế.
Đã có giả định, nếu tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của các tập đoàn, tổng công ty tăng từ 4,6% lên 6%, thì sẽ đóng góp 0,95% vào tăng trưởng GDP...
Song đây cũng là nhiệm vụ rất khó khăn, khi rất nhiều năm qua, những yêu cầu về nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị doanh nghiệp nhà nước đã được đặt ra, nhưng chưa thực hiện được nhiều.
Điều này có nghĩa, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ không đơn giản là nhận chuyển giao, thực hiện tiếp các kế hoạch cơ cấu lại các doanh nghiệp này. Ủy ban cũng không thể chỉ là cơ quan đại diện chủ sở hữu theo cách mà lâu nay nhiều bộ, ngành vẫn làm.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, vào thời điểm này, theo đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, thì mục tiêu thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khó hoàn thành theo đúng kế hoạch vào năm 2020, nếu không có những giải pháp đẩy nhanh. Lý do là đến tháng 7/2018, các bộ, ngành, địa phương mới thực hiện thoái vốn tại 30/316 doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra của năm 2017 và 2018. Những lo lắng về việc chậm xử lý các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ; những lo ngại về khả năng xảy ra thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn còn rất lớn trên diễn đàn Quốc hội.
Điều đáng nói là yêu cầu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vào thời điểm này có lẽ không chỉ xoay quanh những tồn tại cũ, dù rất cần phải làm nhanh, làm dứt điểm.
Đã đến lúc, phải tăng cường cải thiện hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh tốt, quản trị tốt để những đơn vị này thực sự trở thành những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh trên thị trường. Hơn thế, thời gian tới, việc thoái vốn cần thực hiện thận trọng, một mặt phải bảo đảm tính đúng, tính đủ giá trị vốn nhà nước trong doanh nghiệp, mặt khác cần phải đặt trong bối cảnh cải thiện các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong lúc này, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sẽ quyết định rất lớn sự thành công của các kế hoạch, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ra khỏi doanh nghiệp. Tất nhiên, để thúc đẩy, Chính phủ cần có thêm quyết sách cụ thể. Theo đó, có thể rà soát, bổ sung sửa đổi những quy định pháp lý liên quan nhằm mở rộng và bảo đảm quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, cần rà soát lại danh mục dự án đầu tư; loại bỏ các khoản trợ cấp (nếu có) đối với doanh nghiệp nhà nước; loại bỏ các hành vi độc quyền không phải là độc quyền tự nhiên; tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp quản trị tốt, kinh doanh hiệu quả... Ngay cả yêu cầu cổ phần hóa, thoái vốn cũng phải đảm bảo nguyên tắc chất lượng cổ phần hóa, phải phục vụ đúng mục tiêu cải thiện quản trị, quản lý, minh bạch theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Nghĩa là, cổ phần hóa, thoái vốn phải đủ lớn để có thể làm thay đổi cơ cấu sở hữu và thực chất quản trị doanh nghiệp...
Trước những yêu cầu mới, có lẽ kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới sẽ cần nhiều hơn các giải pháp đẩy nhanh, hay chỉnh sửa những tồn tại cũ...