Đổ xô đặt “hoa quả hái vườn”
Do công việc bận rộn nên những khu chợ gần nhà luôn là sự lựa chọn hàng đầu của chị Thanh (Đống Đa,sốtpersik – bali united pusam Hà Nội) mỗi lần gia đình có nhu cầu mua sắm thực phẩm. Thế nhưng gần đây, khi nghe quá nhiều thông tin trên các báo đài về thực phẩm ngâm, tẩm, ướp hóa chất dịp Tết, chị cũng thấy “rùng mình”.
Tình cờ một lần lên Facebook bạn, đọc được một đoạn rao bán hoa quả “hái tận vườn” chị liền thử đặt mua. Chị tâm sự: “Tuy giá thành có đắt đỏ hơn việc trực tiếp đi mua ngoài chợ nhưng chất lượng khá tốt, mình lại biết được chính xác nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên an tâm hơn nhiều”.
Từ đó đến nay, chị Thanh trở thành khách hàng trung thành của việc đặt hàng qua mạng những cửa hàng “hoa quả tận vườn” này.
Trái cây vườn nhà đắt khách. Ảnh T. Thu |
Chị Chu Hồng Hạnh (30 tuổi, Hà Nội) - người có thâm niên buôn bán hoa quả hái vườn cho biết, thấy nhu cầu mua bán hoa quả sạch ngày càng tăng, lại có người nhà ở quê trồng một số cây ăn quả nên chị đã nảy sinh ý tưởng kinh doanh mặt hàng này.
Khách của chị chủ yếu là giới chị em công sở. Khi khách cần, chị sẽ điện thoại về quê để nhập lên số hàng lớn, nhanh chóng vận chuyển lên Hà Nội để kịp thời mang tới cho khách. Ngoài ra, chị còn có trong tay một số đầu mối để nhập và bán một số loại quả đặc sản từng vùng miền.
“So với tình hình kinh doanh năm trước thì năm nay việc buôn bán “đuối” hơn một chút. Còn tính riêng năm nay thì tháng này đang có lượng đơn hàng nhiều nhất. Gần Tết nên nhu cầu tăng, đây cũng là điều dễ hiểu”, chị Hạnh nói.
Với hơn 100 khách hàng thân quen, thường xuyên đặt hàng, hiện còn có rất nhiều người mới đặt mua hoa quả của chị Hạnh. Nhiều lúc nhu cầu tăng cao, những người khách đặt sau buộc phải đợi thêm một thời gian thì hàng mới vận chuyển kịp.
Khi được hỏi làm cách nào để khẳng định hoa quả chị bán đúng là “hái tận vườn” mà không phải là hàng Trung quốc trà trộn, chị Hạnh nhấn mạnh: “Người tiêu dùng cũng tinh lắm, họ ăn thử hàng mình mang tới là biết ngay chất lượng thế nào. Nếu thấy chuẩn “hàng quê” thì mới có đơn hàng tiếp theo, còn nếu không thì sẽ chẳng bao giờ họ gọi lại nữa. Mình làm ăn là dựa vào chữ tín”.
Gà bắt tận chuồng “lên ngôi”
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (Quốc Oai, Hà Nội), do bố mẹ chồng đã từng 10 năm buôn gà trên Ba Vì và Hòa Bình về đổ cho khách lấy buôn ở Hà Nội nên năm nay chị “xí phần” nhận bán gà lễ, gà ăn và gà biếu cho những khách hàng có nhu cầu.
Trên Facebook cá nhân, chị giới thiệu: “Gà bố mẹ em bắt ở trong rừng và những nhà chăn thả trên đồi nên gà rất thơm thịt, ngọt thịt, các thớ thịt dai và chắc. Vì em muốn làm ăn lâu dài, không chỉ riêng dịp Tết nên các mẹ có thể yên tâm về chất lượng gà”. Để tăng thêm sự tin tưởng, chị còn chụp luôn hình ảnh chuồng gà nhà mình rồi đăng tải phía dưới bài viết. Có lẽ cũng bởi hình ảnh sống động và chân thực quá nên lượng người bình luận đặt hàng mua gà của chị mỗi ngày lại thêm đông. Người còn e dè về chất lượng thì đặt một con về ăn thử trước khi chính thức đặt gà lễ, gà biếu dịp Tết; người có nhu cầu cao hơn thì đặt liền lúc 2 – 3 con.
Gà ta - một đặc sản được săn lùng dịp tết Quý tỵ năm nay. Ảnh: T. Thu |
Giá gà mái chị bán là 160.000 đồng/kg còn gà trống giá 170.000 đồng/kg. Chị bảo: “Có khách hàng thắc mắc giá gà bán ngoài chợ chỉ 120.000 đồng/kg nên giá gà tôi bán có đắt hơn. Thế nhưng khi ăn rồi thì họ mới thấy có sự khác biệt về chất lượng. Có người đặt hẳn 5 – 6 con gà trống, cứ 3kg/con”.
Mới nhận đặt hàng của khách khoảng một tháng nay nhưng đều đặn ngày nào cũng có người điện thoại đặt gà chỗ chị Thắm. Trung bình mỗi ngày chị bán được 5 – 6kg gà và tiếp tục nhận thêm đơn hàng cho những ngày cuối cùng của năm cũ. Những ai có nhu cầu gà làm sẵn chị cũng sẽ phục vụ. Chị sẽ vận chuyển miễn phí gà Tết cho khách tới tận ngày 29/12 (âm lịch).
Trên thị trường hiện nay, việc phân biệt được đâu là thực phẩm Trung Quốc, đâu là hàng Việt, đâu chỉ là hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt thực sự là việc không dễ dàng. Và việc người tiêu dùng bị biến thành “gà mờ” trước những lời giới thiệu, quảng cáo và khẳng định “chắc nịch” của chủ hàng là điều có thể xảy ra. Trong tình thế này, việc chị em chuyển sang mua bán trên chợ ảo các loại “hoa quả hái tận vườn”, “gà bắt tận chuồng” cũng có thể coi là sự chuyển hướng thông minh. Tuy nhiên, chị em cũng cần rất tỉnh táo để chọn được các địa chỉ uy tín, đảm bảo 100% “cây nhà lá vườn”, tránh việc phải mua chúng với mức giá đắt đỏ hơn thông thường mà chất lượng không có gì khác biệt. Và khi phát hiện ra chủ hàng online quảng cáo “láo” thì cũng nên cảnh báo để các chị em khác tránh xa địa chỉ “treo đầu dê bán thịt chó” ấy.
Thanh Thu