【xem bd tv】Gửi tiếng hát như lời cảm ơn quê hương
(CMO) Xuất thân trong một gia đình có "máu" đờn ca, mới 5 tuổi, Tài tử Ngọc Nhịn (Châu Ngọc Nhịn, sinh năm 1983) đã bắt đầu biết hát những bài bản nhỏ hay các bài vọng cổ. Điều kiện cuộc sống gia đình ngày đó quá khó khăn nên năng khiếu sớm nhen nhóm, chỉ có thể dừng lại ở việc hát góp vui tại các đám tiệc, hễ đi tới đâu mỗi khi được yêu cầu là giọng ca cô bé lại hồn nhiên cất lên.
Tài tử Ngọc Nhịn (thứ 2 từ phải qua) trong đợt ra mắt Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Nguyễn Phích. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Năm 17 tuổi, khi Ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (quê hương chị) được công nhận đạt chuẩn văn hoá, lần đó có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi của tỉnh xuống biểu diễn phục vụ, trong đó có NSƯT Kim Cúc, tác giả Huỳnh Khánh... Trực tiếp nhìn thấy những thần tượng mình mến mộ thăng hoa trên sân khấu, lòng cô bé thích lắm, rồi nhủ thầm: "Phải chi mình cũng được đứng trên đó để ca một bài thì khoái biết chừng nào".
Sẵn mê bài vọng cổ "Nỗi đau trong đời" do tác giả Huỳnh Khánh sáng tác (nội dung nói về cơn bão số 5), Ngọc Nhịn đánh bạo ca và rồi chất giọng trong, cao, đầy tiềm năng của chị nhanh chóng nhận được sự chú ý của chính tác giả. Với con mắt nhà nghề, ông liền ngỏ ý nhận chị làm học trò để đào tạo bài bản. Tuy nhiên, thời điểm đó lại có một trở ngại khác từ phía gia đình là không muốn con gái dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp, ước mơ ấp ủ sớm đành phải gói ghém lại trong sự nuối tiếc.
Năm 2001, với giải Nhì tại cuộc thi Giọng hát hay mừng Đảng mừng Xuân của huyện U Minh tổ chức như thổi bùng ngọn lửa ca hát trong chị. Tuy nhiên, vì hiểu hoàn cảnh gia đình, Ngọc Nhịn quyết định chọn sinh hoạt đờn ca tài tử ở địa phương và tham gia các cuộc thi văn nghệ nhỏ cho thoả đam mê.
Là dân tay ngang mê hát, lại không được sự hướng dẫn, chỉ dạy từ bất cứ người thầy nào, những năm sau đó khi công nghệ dần phát triển, Ngọc Nhịn tiếp tục tự tìm tòi nhịp nhàng, bài bản lớn nhỏ bằng cách tải nhạc vào thẻ nhớ điện thoại rồi bật lên nghe và học dần. Đối với những bài bản lớn có những chỗ khó cảm, chị tìm những đàn anh chị rành về tài tử để hỏi thêm, chỉ có vậy mà giọng ca ngày một chín khi nào chẳng nhớ.
Năm 2010, bước ngoặt mới mở ra, đánh dấu con đường tài tử chính thức khi chị được các vị tiền bối gạo cội trong nghề như Soạn giả Minh Đăng, Soạn giả Huỳnh Hồng mời ra TP Cà Mau thu âm để phát trên làn sóng phát thanh, với bài vọng cổ "Về quê ngoại" (sáng tác Huỳnh Minh Tuấn). Lần thu đầu thành công nhanh chóng tạo được niềm tin trong giới chuyên môn, sau đó hàng loạt những bài vọng cổ, bài bản tài tử nối tiếp nhau được phát sóng, tạo được sự yêu mến trong lòng thính giả.
Năm 2012, con đường nghệ thuật thêm một bước thuận lợi khi chị tiếp tục được tạo điều kiện để quay hình phát sóng trên Đài Truyền hình tỉnh. Từ những cố gắng không ngừng này, đến nay chị đã có gần 10 bài vọng cổ được phát trên truyền hình, hàng trăm bài vọng cổ, bài bản tài tử được phát trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các đài huyện. Nhiều bài ca cổ chị trình bày để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán thính giả như: "Quê hương gửi trọn ân tình" (tác giả Nguyễn Văn Mần); "Cho mẹ bớt buồn" (tác giả Minh Đăng). "Lỡ mối duyên đầu" (tác giả Lương Phương Cương)... và nhiều bài bản tài tử khác.
Tài tử Ngọc Nhịn. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Không chỉ đoạt giải Nhất, Nhì tại các hội thi ở huyện hay giải Khuyến khích giọng ca cải lương giải Bông Tràm tỉnh Cà Mau năm 2012, năm 2017, chị vinh dự đạt giải A độc diễn vai chị Sáu trong trích đoạn cải lương "Bão biển" (tác giả Huỳnh Khánh, đạo diễn NSƯT Minh Đương) ở Liên hoan Văn hoá - Thể thao các xã nông thôn mới; Giải A vai Lụa trong chập cải lương "Bừng sáng một miền quê" (tác giả Tiến Đạt, đạo diễn Phạm Điền) tại Liên hoan Văn hoá - Thể thao 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer lần thứ 3 của tỉnh.
Hiện tại, Ngọc Nhịn là thành viên cơ hữu của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thị trấn U Minh, đồng thời mới đây khi xã Nguyễn Phích ra mắt Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, Ngọc Nhịn vinh dự được tín nhiệm bầu giữ vị trí phó chủ nhiệm. Điều này đối với chị vừa là niềm vui bởi được phát huy niềm đam mê, nhưng cũng đặt trách nhiệm của mình nhiều hơn trong việc cùng với các tài tử đờn ca của xã, huyện tham gia, duy trì, phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống thêm phần lan toả và lớn mạnh.
"Bây giờ mỗi khi nghe được giọng ca mình được phát trên sóng phát thanh hay tình cờ thấy đài phát những tác phẩm từng thể hiện là bản thân cảm thấy hạnh phúc không gì có thể tả được. Mặc dù chỉ là một tài tử nhưng đó là động lực, nhắc nhở mình phải tiếp tục con đường nghệ thuật không chuyên bằng chính cái tâm để từng ngày qua càng hoàn thiện hơn nữa, điều đó như lời cảm ơn cho chính quê hương mình", Tài tử Ngọc Nhịn bày tỏ với giọng đầy phấn khởi./.
Phúc Trần