Giảm khoản chi?
Đại diện Phòng Nghiệp vụ (Cục Hải quan Quảng Trị) cho biết, theo quy định mới tại Điều 11, Thông tư 153/2013/TT-BTC quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ NSNN đảm bảo hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, các khoản chi cho công tác chống buôn lậu giảm so với các khoản chi được quy định tại Thông tư 59/2008/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 51/2010/TT-BTC).
Theo Cục Hải quan Quảng Trị, công tác chống buôn lậu của lực lượng Hải quan có tính chất đặc thù, không chỉ diễn ra tại các địa điểm chốt chặn mà phải có phương án, kế hoạch, xây dựng mạng lưới thông tin và lập kế hoạch, tổ chức tác chiến trên thực địa… Sau khi tổ chức bắt giữ tang vật, đối tượng vẫn còn rất nhiều công đoạn phía sau…, vì vậy, để thực hiện được một chuyên án phải có nhiều khoản chi phí khác nhau. Việc giảm khoản chi như trong quy định mới có phần ảnh hưởng lớn đến nguồn lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu trên địa bàn.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Sở Tài chính Quảng Trị cho rằng, quy định mới đã hạn chế các khoản chi cần thiết cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; không tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích cho công tác chống buôn lậu.
Đặc biệt, Hải quan Quảng Trị và Sở Tài chính Quảng Trị cho rằng quy định mới về chi phí mua tin không khuyến khích người dân tố giác, cung cấp thông tin về vi phạm, tội phạm (liên quan đến hoạt động chống buôn lậu).
Ngoài ra, Hải quan Quảng Trị còn phản ánh vướng mắc với những khoản đã chi trước thời điểm Thông tư 153 và Thông tư 173/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lí, xử lí tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, có hiệu lực. Theo Cục Hải quan Quảng Trị, Thông tư 153 có hiệu lực từ 16-12-2013 và Thông tư 173 có hiệu lực từ 5-1-2014. Nhưng trong cả 2 thông tư đều quy định: Trường hợp có quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước từ ngày 1-7-2013 thì việc quản lí số tiền thu được từ xử lí tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thực hiện theo các quy định tại Thông tư 153 và 173.
Điều này khiến Hải quan Quảng Trị gặp lúng túng với những khoản đã chi cho công tác chống buôn lậu từ ngày 1-7-2013 đến nay.
Áp dụng 2 trong 1
Liên quan đến các vướng mắc nêu trên, ngày 14-5, phóng viên Báo Hải quan đã làm việc với đại diện Phòng Kế hoạch- Tài chính, Vụ Tài vụ quản trị (Tổng cục Hải quan). Theo Phòng Kế hoạch- Tài chính, thực chất các khoản chi, mức chi cho công tác chống buôn lậu (có cả của lực lượng Hải quan) không giảm so với trước đây. Tuy nhiên, các khoản chi này trước đây được quy định chung trong một thông tư là Thông tư 59/2008/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 51/2010/TT-BTC). Hiện nay, các khoản chi này được quy định ở cả Thông tư 153 và Thông tư 173. Do đó, trường hợp nào không có trong Thông tư 153 sẽ áp dụng theo các khoản chi được quy định trong Thông tư 173.
Về vấn đề chi phí mua tin, theo quy định tại Khoản a Điều 11 Thông tư 153, mức chi mua tin với trường hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn giữ nguyên như quy định trong Thông tư 59 và 51.
Liên quan đến lí do vì sao Thông tư 153 có hiệu lực từ 16-12-2013 và Thông tư 173 có hiệu lực từ 5-1-2014 lại áp dụng cho cả trường hợp ra quyết định xử phạt từ 1-7-2013 về sau, theo đại diện Phòng Kế hoạch- Tài chính, sở dĩ đặt ra quy định này vì như đề cập ở trên, các khoản chi liên quan đến công tác chống buôn lậu được tách từ 1 Thông tư ra quy định ở 2 Thông tư (153 và 173), do đó, để đảm bảo các khoản chi không thay đổi và đảm bảo quy định nên phải đặt ra quy định này. Thực chất điều này không gây ảnh hưởng đến các khoản chi cho lực lượng chống buôn lậu từ ngày 1-7-2013 đến nay.
Qua vướng mắc trên có thể thấy, vấn đề mấu chốt là các khoản chi cho công tác chống buôn lậu trước đây được quy định ở 1 Thông tư, nhưng nay được áp dụng ở 2 Thông tư khác nhau nên Hải quan địa phương cần nghiên cứu kĩ cả 2 Thông tư để áp dụng các khoản chi cho công tác chống buôn lậu theo đúng quy định.