【hôm nay có trận gì】Tất bật hộ đê
(CMO) Người khiêng đá; người gắn ống để bơm bùn, cát; người buộc rọ lưới... Các phương tiện luôn được vận hành hết công suất, không khí lao động hộ đê tất bật, khẩn trương, bất chấp cả cái nóng bức của những ngày tháng 4. “Chúng tôi cố gắng hết sức mình, quyết tâm hoàn thành các công trình hộ đê biển Tây trước mùa mưa bão”, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau Nguyễn Thanh Tùng tỏ rõ quyết tâm.
Đê biển Tây Cà Mau dài khoảng 108 km, nằm trên địa phận huyện Trần Văn Thời, Phú Tân và U Minh. Ngoài vị trí chiến lược trong quốc phòng - an ninh, tuyến đê này còn có nhiệm vụ ngăn mặn để bảo vệ khoảng 26.000 hộ dân bên trong với trên 128.972 ha đất sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp, đặc biệt là khu vực rừng tràm U Minh Hạ. Tuy nhiên, do chịu tác động bất lợi từ thời tiết, tuyến đê thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở; đặc biệt, nhiều đoạn phải ban bố tình huống hộ đê khẩn cấp.
Hàng loạt dự án bảo vệ đê được triển khai
Tại khu vực đê biển Tây đoạn Đá Bạc - Kênh Mới, xảy ra 8 điểm sạt lở, sụp lún đặc biệt nghiêm trọng với chiều dài hơn 10 km. Cách thức sạt lở, sụp lún cũng khác nhau, đòi hỏi tại từng vị trí phải có phương án khắc phục khác nhau. Có đoạn phải tiến hành bơm cát, bùn lấp các con kênh nằm dọc đê nhằm tạo phản áp giảm thiểu tình trạng sụp lún đê tái diễn. Có đoạn phải tiến hành nhiều phương án hộ đê khẩn cấp, như đoạn 356 m khu vực cống Kênh Mới (không còn cây rừng). Đoạn giữa cống Đá Bạc - Kênh Mới (chiều dài 850 m) trữ đất để đắp mái đê, tập kết đá hộc, gia công phên tràm, gia cố mái đê bằng thảm đá bọc PVC, gia cố bằng cách xếp rọ đá phía biển... Tại các công trình, máy đào, xe ben, sà lan chở đá... hoạt động liên tục.
Song song đó, nhiều công trình thực hiện các dự án thi công kè đê cũng đang được triển khai quyết liệt, dù trong điều kiện thi công rất bất lợi; đặc biệt khâu vận chuyển và tập kết vật tư, phương tiện cơ giới… Theo ông Tùng, tiến độ thi công được báo cáo hàng tuần và hàng ngày. Tại hiện trường, đại diện chủ đầu tư các dự án đều có mặt để đôn đốc thi công cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thiết bị được tập kết để đẩy nhanh tiến độ các công trình hộ đê khẩn cấp đoạn Đá Bạc. |
Hiện tại khu vực đê biển Tây đang triển khai 6 gói thầu thi công kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển Tây với chiều dài khoảng 9,7 km. Cụ thể, kè đoạn từ Bắc Hương Mai đến kênh xáng tuyến 4 dài 2 km, kè đoạn từ kênh xáng tuyến 4 đến Móng Chim dài 2 km, kè đoạn từ Móng Chim đến Năm Quay dài 2 km, kè đoạn từ Năm Quay đến Tiểu Dừa dài khoảng 2,1 km, kè đoạn phía bờ Bắc vàm cống T29 dài 561 m, kè đoạn phía bờ Nam vàm cống T29 dài 1 km, tất cả các gói thầu này đều có khối lượng thi công đạt từ 20% đến trên 45%.
Ngoài ra, trên tuyến còn triển khai 3 gói thầu xây dựng kè bảo vệ đê biển Tây thuộc Tiểu dự án 8, Dự án ICRSL, với chiều dài hơn 7,8 km gồm: kè bảo vệ đê biển Tây từ Kênh Tư đến Kênh Mới dài 3,1 km, kè bảo vệ đê biển Tây từ Kênh Mới đến Sào Lưới dài 1,1 km, kè bảo vệ đê biển Tây từ Sào Lưới đến Ba Tĩnh dài 3,5 km. Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở tại cửa biển Hương Mai cũng đã triển khai thi công đạt 35% khối lượng so với hợp đồng.
Thi công cả trong đêm
Khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi ngoài sự quyết tâm của con người còn phải có phương pháp thi công phù hợp. Theo đó, tỉnh đã chia ra nhiều phần việc cho rất nhiều đơn vị đồng loạt thi công. Chỉ riêng việc bơm bùn, bơm cát, có đến 3 nhà thầu tham gia, huy động một lượng lớn máy móc, thiết bị.
Kè rọ đá đang được triển khai để bảo vệ phần mái đê không còn rừng phòng hộ. |
Là một trong những đơn vị tham gia bơm bùn tại đê biển Tây, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng - Thương mại Thới Bình Võ Trí Hải cho biết, để đảm bảo tiến độ, khối lượng theo yêu cầu, không để nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng của người dân, công ty phải áp dụng nhiều giải pháp trong quá trình thi công. Cụ thể, phải đắp đập ngăn nước, sau đó dùng máy bơm di động bơm nước ngược ra biển; có những lúc công việc được triển khai cả ban đêm.
Theo thiết kế, tổng khối lượng bùn cát được bơm vào khoảng 104.000 m3. Trong buổi khảo sát mới đây, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, sở đang tiếp tục đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đồng thời theo dõi sát vị trí lấy bùn cát ngoài biển, đảm bảo khoảng cách để không ảnh hưởng tuyến kè cũng như các công trình khác.
Ngoài khó khăn trong khâu vận chuyển vật tư, thiết bị, hiện nay, một số gói thầu thi công bảo vệ đê gặp trở ngại do vướng mặt bằng. Cụ thể như tại khu vực cầu Quản Thép, Khóm 1, thị trấn Sông Đốc còn vướng mái che của một hộ nên không thể tiếp tục thi công. Ngoài ra, theo thông tin từ Ban quản lý dự án, trên toàn tuyến còn một số khu vực cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhà thầu không thể thi công do còn vướng mặt bằng. Trước thực trạng ấy, trong chuyến kiểm tra thực tế vào ngày 22/4, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo, chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan tiến hành rà soát và giải quyết dứt điểm những hộ hiện nay làm ảnh hưởng đến công trình đang thi công./.
Nguyễn Phú