Anh Thái Văn Tuyển thực hiện quy trình chăm sóc mai sau tết
Vườn cây cảnh của anh Thái Văn Tuyển,ịchvụchăkq atlas ngụ ấp Chợ, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú rộng khoảng 500m2, với 400 cây cảnh khác nhau, trong đó cây mai vàng chiếm gần 90%. Sau tết Nguyên đán, hầu như chậu mai cảnh nào cũng trở nên xơ xác. Nhiều gia chủ đã thuê anh chăm sóc để sẵn sàng cho mùa hoa tết năm sau. Năm nay, anh Tuyển nhận chăm sóc khoảng 100 cây mai vàng và nhiều cây cảnh khác. Bên cạnh chăm sóc tại vườn, anh còn nhận chăm sóc mai tại nhà cho khách hàng. Công việc chăm sóc mai vàng sau tết rất bận rộn và kỳ công, bởi loại cây này có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng nên cần có chế độ theo dõi, chăm sóc cẩn thận.
Chăm sóc mai vàng rất khó, yêu cầu phải kỳ công, tỉ mỉ. Sau tết, cây mai cần chế độ chăm sóc đặc biệt. Trước tiên phải thay đất trồng, sửa rễ, cắt cành, tạo tán... bón phân hữu cơ, tăng lượng đạm để cây phục hồi. Khoảng tháng 6 thì cắt tỉa cành, tán một lần nữa. Cuối năm thì bổ sung kali và chất đồng, kẽm... để cây ra hoa đẹp, kịp thời. |
Anh THÁI VĂN TUYỂN, ngụ ấp Chợ, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú |
Còn đối với ông Nguyễn Thanh Hà, ngụ khu phố Thắng Lợi, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú mê hoa, cây cảnh từ nhỏ. Sau vài năm kinh doanh hoa, cây cảnh, năm 2019, ông Hà mua hơn 2 sào đất tại tổ 23, khu phố Thắng Lợi để trồng, chăm sóc và kinh doanh hoa, cây cảnh, phân bón… Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông đưa ra thị trường nhiều cây mai vàng, cây cảnh với nhiều kích cỡ, hình thù khác nhau. Sau tết, nhiều người dân đã nhờ ông chăm sóc hàng trăm cây cảnh. Theo ông Hà, chăm sóc mai vàng là khó nhất, bởi cây mai có giá trị kinh tế cao nhưng thường bị bệnh bọ trĩ nên phải chăm sóc hợp lý để cây phát triển tốt. Nhà vườn phải ưu tiên dùng phân hữu cơ và trước khi bón cho cây cần ủ, đồng thời thực hiện bón phân, tưới nước vừa đủ, cây mới phát triển tốt.
Ông Nguyễn Thanh Hà tỉa cành, bắt đầu thực hiện quy trình chăm sóc cây mai sau tết
Việc chăm sóc làm sao để mai nở đúng dịp tết không phải ai cũng làm được, chủ vườn phải áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, tác động trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Đặc biệt, khoảng cuối tháng Chạp, họ phải thường xuyên theo dõi sự thay đổi của thời tiết, nhiệt độ ngoài trời để áp dụng biện pháp chăm sóc phù hợp. Để cây mai phát triển, ra bông đều, to, đẹp và nở đúng dịp tết, anh Tuyển chia sẻ: Cây mai rất nhạy cảm với thời tiết, khoảng tháng Chạp, người chăm sóc cây phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ trung bình ngoài trời. Từ đó, bổ sung lượng nước phù hợp để hoa nở đúng ngày tết.
Ông Trần Đình Hùng, ngụ khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú rất thích chơi hoa mai. Tết đến, ông thường mua từ 2-3 cây mai về chưng trong nhà. Sau tết, ông nhờ anh Tuyển đến cắt tỉa, tạo tán, chăm sóc để tết năm sau tiếp tục sử dụng. Ông Hùng chia sẻ: Do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây mai nên năm nào tôi cũng nhờ anh Tuyển chăm sóc. Những cây mai do anh chăm sóc đều phát triển tốt, bông đều, đẹp và nở đúng dịp tết.
Từ lâu, nghề chăm sóc mai sau tết không còn xa lạ với người dân. Sau khi nhận những cây mai về vườn, người chăm sóc sẽ tiếp nước đầy đủ và kiểm tra chất lượng lá, rễ của cây vài tuần để cây lấy lại sức, sau đó mới đến công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, hãm cành, bón rễ… hoặc tạo dáng thế theo ý thích của khách hàng. Chi phí chăm sóc mai vàng sẽ do hai bên thỏa thuận, tùy theo giá trị của cây và ngày công thợ bỏ ra. Hiện tại, giá chăm sóc mai vàng suốt một năm ở mức gần 20-25% giá trị cây mai, chưa kể tiền thay chậu mới, tạo thế hay lai ghép...
Nghề chăm sóc cây mai sau tết dù kiếm được nhiều tiền nhưng công sức bỏ ra cũng không ít. Trong quá trình chăm sóc, nếu lơ là thì cây có thể bị hỏng, không ra hoa đúng dịp tết, thậm chí cây chết. Vì vậy, chăm sóc hoa, cây cảnh phải làm bằng chính tâm huyết, niềm đam mê và trách nhiệm thì mới thành công.