Trong chủ đề về món ăn và khẩu vị hôm đó,ớtmàumèbxh 2 duc Hưng kể đã chọn phân khúc món Huế và cách chế biến kiểu Huế để mang đến phong vị khác cho những người khách nước ngoài du lịch theo tour. Không quá cầu kỳ, chủ yếu là những thực đơn với nguyên liệu bản địa, điều mà nhà hàng của Hưng luôn chú trọng là hình thức và chất lượng món ăn. “Khách thích ăn vả trộn hay hến xúc bánh tráng lắm. Mà họ khăng khăng đó là thịt. Chỉ khi mục sở thị thành phẩm qua các công đoạn được chế biến, người ta mới chịu trong sự ngạc nhiên đó chị. Cũng giống như món cá ngừ kho tộ, người ta cũng chỉ tin đó là cá chứ không phải thịt khi được chứng kiến quá trình chế biến của đầu bếp…”.
Giọng của ông chủ trẻ khiêm nhường, nhưng tôi biết đó là cả một kinh nghiệm trong quá trình vận hành ở một nhà hàng đã đứng chân được trên dưới 20 năm. Khi đã “đọc” được thiên hướng và khẩu vị của khách, việc quản lý và tạo dựng thương hiệu riêng đã được vận hành trên nền tảng chung của bản sắc văn hóa ẩm thực, cũng như những đặc tính để tạo dựng sự riêng có của nhà hàng. Có lẽ, đó là yếu tố quan trọng nhất để thành công và cũng là “di sản” mà cha mẹ của Hưng đã trao lại cho con mình. Vấn đề là những người trẻ, như Hưng, ngoài việc tiếp quản là vận hành tốt nhất di sản ấy còn có một cách nghĩ khác, xanh hơn. Chẳng hạn như việc tìm hiểu trồng cây gì, hoa nào để ong về làm tổ, có bướm bay la đà và có tiếng chim ríu ran vào mỗi sớm chiều. Điều ấy cũng có được khi quan sát, lắng nghe chia sẻ và tiếp tục tạo dựng một không gian trong trẻo và gần gũi – nơi mà khách đến luôn có cảm giác được giao hòa với thiên nhiên.
Hôm đó, ông chủ trẻ cũng nói với chúng tôi, như một sự giao hòa khác để mang an lành đến cho những người chọn nơi đó để dừng lại. Là trong mối “lương duyên” về ẩm thực, điều mà Hưng mong muốn và đề nghị các đầu bếp của mình là làm thế nào để “trở lại như xưa” trong việc chế biến các món ăn. Tỷ như thay vì dùng phụ gia thì sẽ dùng chính thực phẩm và nước hầm xương để làm ngọt; như bớt màu mè lại mà chú ý đến dưỡng chất, đồng thời tạo ấn tượng và sự thu hút bằng việc trình bày và đó là cách làm sang, làm lạ món ăn mỗi khi đặt lên bàn, cộng với sự chu đáo trong phục vụ.
Câu chuyện mà Hưng mang đến, làm tôi nhớ đến người anh đồng nghiệp đã nắc nỏm nhắc hoài các món anh ở đầm Chuồn mà anh có dịp thưởng thức hôm ghé qua. Những món anh mà theo anh, hổng có cầu kỳ mà tươi ngon hơn hẳn thực đơn ở nhà hàng 5 sao – nơi mà chúng tôi đang ngồi ở TP. Hồ Chí Minh. Có lẽ, ấn tượng mang lại đến từ sự thực chất và điều đó mới làm người ta nhớ lâu. Như cách mà Hưng và những người trẻ như mình bắt đầu hướng tới.
Mà thực ra, đó cũng là cách xây dựng những giá trị bền lâu trong cuộc sống. Khi mà mọi thứ đều xanh và thân thiện hơn, cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu. Khi đó, thay vào sự do dự, thay vào sự đề phòng, thay vào sự ngần ngại, người ta sẽ dễ tìm được những tiếng nói chung hơn bằng sự thân thiện kết nối...
Khang Nhiên