Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% . Ảnh: H.Nụ |
Chủ động sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện
Về nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Tài chính đặt ra những yêu cầu quan trọng.
Trong đó, Bộ Tài chính nêu rõ, trên cơ sở đánh giá thực hiện năm 2021; các nội dung trình phê duyệt về mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia và địa phương; mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; định hướng mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương giai đoạn 2021-2025, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2022, chủ động sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2022 trên cơ sở khả năng nguồn lực (bao gồm cả nguồn hợp pháp khác theo quy định); triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán.
Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực khi xây dựng dự toán cần tính tới việc rà soát tổng thể các chế độ, chính sách (nhất là các chính sách an sinh xã hội) để bãi bỏ, hoặc lồng ghép theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, lồng ghép các chính sách chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả, chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.
Chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện và huy động các nguồn lực tương ứng các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành. Bố trí dự toán để thu hồi các khoản ứng trước chi NSNN đến hạn thu hồi trong năm theo quy định tại Điều 50 Luật NSNN.
Nỗ lực cao nhất trong thu NSNN
Về dự toán thu NSNN, theo Bộ Tài chính, dự toán thu NSNN năm 2022 phải được xây dựng tích cực, khả thi với tinh thần phấn đấu, nỗ lực cao nhất, theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, đảm bảo thu đúng, thu đủ, nuôi dưỡng nguồn thu.
Trong bối cảnh vẫn còn đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn trong năm 2021, cần tiếp tục tập trung phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2021 làm cơ sở xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022.
Cùng với đó, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.
Thông tư 61/TT-BTC nêu rõ, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).
Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.
Ưu tiên và tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương
Đối với dự toán chi NSNN năm 2022, việc xây dựng dự toán chi NSNN 2022 phải đảm bảo nguyên tắc theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, các Luật có liên quan; các quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên NSNN; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập; đảm bảo phù hợp với nội dung trình kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Ưu tiên và tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII), chi an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển và đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, chú trọng cải cách hành chính theo hướng hiện đại, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiết giảm chi phí. Tăng cường thực hiện các giải pháp, chính sách đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu việc xây dựng dự toán chi phải tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2022 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn NSNN được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác.