游客发表
Huyện Ðầm Dơi có bờ biển dài 22 km với các của biển lớn như: Gành Hào, Hố Gùi, Giá Lồng Ðèn… và nhiều cánh rừng phòng hộ, nên rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế thuỷ sản. Ðây cũng là nơi dân di cư từ các nơi đến làm ăn sinh sống. Vì thế việc di dời, sơ tán các hộ dân sống ven biển, ven sông, khu vực xung yếu… đến nơi an toàn, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão luôn được huyện Ðầm Dơi quan tâm.
Trong năm 2015, trên địa bàn huyện ảnh hưởng 5 cơn bão, 3 đợt áp thấp nhiệt đới và 15 cơn lốc xoáy làm thiệt hại 37 căn nhà; xảy ra 34 vụ sạt lở đất với chiều dài hơn 1.380 m, ảnh hưởng đến 83 hộ dân, 2 phần đất của Phòng khám Ða khoa khu vực Nguyễn Huân và Trường Tiểu học Thanh Tùng.
Bên cạnh làm thiệt hại nhà cửa, sụp lở đất, thiên tai cũng gây ra vụ tràn bờ bao vuông tôm trên địa bàn xã Trần Phán ảnh hưởng đến 254 hộ dân, với chiều dài 17.300 m bờ bao, diện tích bị ảnh hưởng 285 ha. Ước tổng thiệt hại hơn 2 tỷ 432 triệu đồng.
Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Ðầm Dơi đã xảy ra 5 vụ lốc xoáy, gây thiệt hại 8 căn nhà, 26 vụ sạt lở đất với chiều dài 334 m, ảnh hưởng 26 hộ dân. Ước tổng thiệt hại hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, thiên tai cũng đã gây thiệt hại 37 ha rau màu, cây ăn trái, 2.160 cây cảnh, 45 gia súc, 1.239 gia cầm và 8.478 ha nuôi trồng thuỷ sản.
Hiện trường vụ sạt lở đất xảy ra vào tháng 5/2016 tại chợ Vàm Ðầm, xã Nguyễn Huân, gây thiệt hại hơn 100 triệu đồng. |
Ðể ứng phó với diễn biến của thời tiết, đồng thời chủ động trong công tác tìm kiếm cứu nạn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, ngay từ đầu mùa mưa năm 2016, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương kiện toàn ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai chi tiết, cụ thể phù hợp với từng địa phương.
Trên cơ sở kế hoạch, phương án do các địa phương xây dựng, Ban Chỉ huy huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án chuẩn bị chu đáo về vật tư, phương tiện, lực lượng phục vụ công tác PCTT&TKCN; chủ động chuẩn bị dự phòng các loại thuốc chữa bệnh, cấp cứu, khử trùng và các thiết bị y tế khác đảm bảo thực hiện tốt công tác ứng cứu kịp thời cho Nhân dân trong mọi tình huống thiên tai.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của huyện cũng xác định những khu vực trọng điểm có thể xảy ra thiên tai ở 3 xã ven biển như: Tân Thuận, Nguyễn Huân và Tân Tiến. Từ đó, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách trực tiếp địa bàn các xã, thị trấn từ năm 2015 đến nay. Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai rủi ro cấp độ 1 và các phương án phòng, chống và ứng phó với từng loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro. Phân chia địa bàn thành 4 khu vực trọng điểm để chỉ đạo và phân công các thành viên phụ trách. Thường xuyên điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án PCTT&TKCN phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ và 3 sẵn sàng”. Chuẩn bị phương án di dời, sơ tán các hộ dân sống ven biển, ven sông, vùng xung yếu… đến nơi an toàn, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Trần Văn Tĩa cho biết, là xã ven biển, có cửa biển Gành Hào và 2 ấp ven biển là Lưu Hoa Thanh và Ðồng Giác, nhiều khu rừng phòng hộ, vì thế, từ năm 2015 đến nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của xã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch PCTT&TKCN của huyện. Xã chủ động xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp lại khu dân cư, chằng néo nhà cửa, các công trình phúc lợi công cộng ở các vùng có nguy cơ ảnh hưởng lớn.
Ðồng thời, Ban Chỉ huy phân công lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở cao, nhất là các ấp ven biển, nơi chịu nhiều ảnh hưởng. Xây dựng các khu vực neo đậu tàu thuyền tránh bão, khu vực sơ tán dân các ấp, điểm bắn pháo hiệu, phân chia địa bàn thành 4 khu vực và phân công các thành viên trong Ban Chỉ huy phụ trách từng khu vực cụ thể.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của xã cần được tỉnh quan tâm hỗ trợ là các trang thiết bị cho các đội tàu cứu hộ, cứu nạn. Hỗ trợ đầu tư các khu tái định cư ven biển để sớm tổ chức di dời dân ra khỏi rừng phòng hộ xung yếu, các cửa biển. Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho ngư phủ và tập huấn phương án sơ tán dân cho đội xung kích phản ứng nhanh ở địa bàn các xã ven biển. Hỗ trợ kinh phí cho đội xung kích và dân quân tự vệ cấp xã khi thực hiện nhiệm vụ.
Với phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của huyện tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão tại các xã, thị trấn. Chú trọng kiểm tra tại các điểm dễ xảy ra tai nạn, như các bến đò ngang, các điểm dễ bị sạt lở. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho ngư dân các điểm neo đậu tàu thuyền tránh trú bão an toàn.
Bên cạnh, kết hợp chặt chẽ với Ðồn Biên phòng Tân Tiến kiểm tra công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản. Ðẩy mạnh tuyên truyền, truyền tin cảnh báo thiên tai và các văn bản chỉ đạo của các cấp chính quyền đến các xã, thị trấn, người dân, đặc biệt quan tâm đến người dân ở các cửa biển, ven biển để người dân chủ động, sẵn sàng ứng phó, chống chịu được với các tình huống thời tiết bất thường, cực đoan. Thực hiện tốt các công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là tại các xã, thị trấn.
Trong chuyến kiểm tra mới đây của Ðoàn Kiểm tra (Khu vực 4) do Ðại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, làm trưởng đoàn, kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT&TKCN xã Tân Thuận và huyện Ðầm Dơi. Sau khi kiểm tra thực tế, đoàn đánh giá cao kết quả xã Tân Thuận cũng như huyện Ðầm Dơi đạt được trong thời gian qua.
Ðoàn lưu ý, thời gian tới, theo nhận định của các nhà khoa học, thời tiết được dự báo còn rất phức tạp, khó lường, vì thế cần nắm chặt diễn biến thời tiết, để có kế hoạch ứng phó, tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng tránh. Bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, con người phải rõ ràng, trách nhiệm cụ thể, số lượng cụ thể, khu vực cụ thể ở từng nơi, từng địa bàn. Rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, khu vực rừng phòng hộ rất xung yếu, các cửa biển, để có biện pháp đảm bảo an toàn sản xuất và dân sinh./.
Bài và ảnh: Trần Chiến
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接