【cúp đức hôm nay】Thương mại điện tử: Những thách thức của ngành thuế

Báo Cà Mau(CMO) Đi cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, xu hướng kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng nở rộ.

Với sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh, cùng với các kênh thanh toán linh hoạt, nhanh chóng, tiện lợi đã đem lại cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thông qua mạng Internet nguồn doanh thu ổn định và không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đặt ra cho ngành thuế không ít thách thức trong việc triển khai thu thuế đối với loại hình này.

Nhìn nhận những khó khăn trong công tác này, Trưởng Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế Bùi Quốc Khánh (Cục Thuế tỉnh), cho biết: “Việc quản lý và thu thuế phát sinh từ các giao dịch điện tử là vấn đề còn khá mới mẻ đối với các cơ quan Nhà nước. Các cơ quan có thẩm quyền cũng còn khá lúng túng trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động này, bởi rất nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề thiếu sự phối kết hợp giữa các cơ quan có liên quan trên địa bàn”.

Hiện nay, kinh doanh qua mạng rầm rộ nhưng quản lý thuế đối với hoạt động này rất khó khăn.

Trên thực tế, thông qua các tài khoản facebook, zalo, instagram… có rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh qua mạng rầm rộ, tràn lan nhưng không đăng ký kinh doanh TMĐT, không kê khai, nộp thuế gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và tạo sự bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa những người nộp thuế. Chính thiếu sự phối kết hợp giữa các cơ quan, dẫn đến phát sinh những kẽ hở để các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh qua mạng Internet lợi dụng, hoạt động quảng bá sản phẩm, kinh doanh mua, bán hàng hoá, dịch vụ qua các tài khoản.

Ngoài ra, việc quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT đang đặt ra nhiều thách thức với cơ quan thuế trong việc xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để tiến hành quản lý thu đúng, thu đủ tiền thuế phát sinh đối với hoạt động này vào ngân sách Nhà nước. Bởi lẽ, các giao dịch TMĐT đều là vô hình, có thể phạm vi trong nước hoặc ngoài nước. Vì vậy, việc xác định dữ liệu tại nơi phát sinh thu nhập, nơi xử lý và nơi sử dụng cho mục đích tính thuế hay xác định khái niệm về nguồn phát sinh thu nhập, cơ sở thường trú hay đặc điểm thu nhập... gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù cơ quan thuế rất tích cực, chủ động và có những kết quả ban đầu trong việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, nhưng nếu chỉ riêng ngành thuế vào cuộc, với những biện pháp kiểm tra tại chỗ, hoặc kêu gọi tự nguyện của các chủ cửa hàng sẽ tốn nhiều công sức mà không có kết quả gì. Bởi các cửa hàng này nằm trên khắp các địa bàn, hàng hoá buôn bán cũng không được trưng bày, rất khó kiểm tra và không có cơ sở chứng minh việc mua bán của các tổ chức, cá nhân này.

Ngay từ tháng 6/2017, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 2623 về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Theo đó, Tổng cục trưởng chỉ đạo các cục thuế tỉnh, thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế liên quan đến hoạt động TMĐT, nhằm đảm bảo người nộp thuế nắm rõ chính sách thuế để tự thực hiện kê khai, nộp thuế, những quy định liên quan đến TMĐT, xử lý vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử theo Điều 50, Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005.

Quy định là thế, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Thới Bình là đơn vị đầu tiên triển khai công tác này.

Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thới Bình Lê Thanh Tuấn lo ngại: "Khó khăn hiện nay là một số hộ kinh doanh thương mại không phải là hộ kinh doanh mà mua bán tại nhà, rất khó quản lý, bởi chưa có cơ sở để kiểm tra và mời làm việc. Hơn nữa, mua bán hàng với hình thức chuyển hàng qua nhiều bưu điện hay dịch vụ, dù cơ quan thuế đã nhiều lần làm việc với các đơn vị này, buộc phải cung cấp thông tin theo luật nhưng chỉ “hứa” nên hiện tại chưa thể quản lý đối với những hộ kinh doanh theo hình thức này. Đã qua, chi cục thuế cũng thành lập tổ riêng, làm biên bản điều tra doanh thu của hoạt động mua bán hàng qua mạng, để cộng vô doanh thu quản lý nhưng không được nhiều, chỉ khoảng 10 hộ, xử lý rất khó".

Theo ông Tuấn, hiện nay toàn tỉnh triển khai vấn đề này, nhưng chỉ nói chung chung theo luật, còn văn bản để cơ quan phối hợp chưa có. Đề nghị có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, hướng dẫn thực hiện cụ thể để kịp thời quản lý thuế, tránh thất thoát nguồn thu./.

Hồng Nhung