【ket quả ngoai hang anh】Phát triển kinh tế tạo sức mạnh phòng, chống dịch

Báo Cà Mau(CMO) Bên cạnh việc trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản thì trồng hoa màu là mô hình được nhiều nông dân 2 vùng mặn, ngọt của huyện U Minh lựa chọn để tăng gia sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện xuống giống hơn 175 ha với các loại hoa màu: cải xà lách, hành, dưa leo, khổ qua, đậu bắp, bí rợ, cải xanh...

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, thông tin: “Từ khi triển khai Nghị quyết số 07 của Huyện uỷ về việc vận động cán bộ, Nhân dân tận dụng bờ liếp, sân vườn, đất trống để trồng màu, trồng cây có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập cho gia đình thì mô hình này được nhân rộng và duy trì đến nay. Bà con nông dân không xuống giống đồng loạt, có hộ trồng theo thời vụ, có hộ trồng quanh năm. Ðặc biệt, có những hộ đầu tư trồng hoa màu trong nhà lưới mang lại thu nhập cao và xem đây là nguồn thu nhập chính”.

Bà Ửng cho biết thêm, do mỗi hộ trồng những loại rau màu khác nhau và phân chia thời gian để xuống giống nên lượng rau màu cung ứng ra thị trường không bị ứ đọng, lượng hàng cung ứng cho toàn huyện đảm bảo, có khi tiêu thụ sang huyện khác. Ðặc biệt, trong mùa dịch bệnh này, nhiều hộ trồng màu cung cấp cho cả xóm vì bà con không đi chợ hàng ngày được, vừa thực hiện tốt việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch, vừa ổn định thu nhập.

Nhiều hộ đầu tư nhà lưới để trồng rau sạch cung ứng cho thị trường quanh năm.

Khánh Thuận là một trong những địa phương có diện tích trồng rau màu trên bờ bao lớn nhất của huyện. Ông Trần Rô Y, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận, chia sẻ: “Lượng rau màu của bà con trong xã đảm bảo cung ứng trong tình hình dịch bệnh tại địa phương và các xã lân cận”.

Hộ bà Nguyễn Thị Ðẹp, Ấp 11, đã hơn 18 năm gắn bó với vùng đất phèn mặn U Minh. Với diện tích hơn 3 ha đất trồng rừng, còn lại bờ liếp gia đình bà Ðẹp tận dụng trồng màu. Cuộc sống dần ổn định hơn nhờ lấy ngắn nuôi dài.

Bà Ðẹp trần tình: “Gia đình chủ yếu trồng dưa leo, trái lớn thì cân ký bán, trái nhỏ làm dưa muối. Nếu ai có nhu cầu trộn sẵn thì tôi cũng làm luôn. Mỗi vụ dưa thu hoạch được khoảng 7-8 tấn, trừ chi phí còn lời gần 20 triệu đồng. Mỗi năm trồng được từ 3-4 vụ”.

Theo kinh nghiệm từ nhiều hộ trồng màu lâu năm, việc trồng màu trên đất bờ bao vuông tôm, bờ kênh xáng, ven lộ do nền đất cao nên không bị ngập úng khi mưa nhiều. Vì vậy, những trận mưa lớn rau màu của nông dân trên địa bàn huyện ít bị thiệt hại.

Dịch bệnh bùng phát, bên cạnh việc vận động người dân nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch, địa phương còn phối hợp vận động người dân tăng gia sản xuất, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

“Phát triển kinh tế để nâng cao sức mạnh phòng, chống dịch bệnh. Phòng, chống dịch bệnh tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế là hướng đi của huyện U Minh trong thời gian qua. Sắp tới, huyện tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tập trung vào các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội”, ông  Nguyễn Thanh Toản, Chủ tịch UBND huyện U Minh, thông tin./.

 

Kim Cương