Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết thông tin trên. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận 103 trường hợp tỷ vong và thương tật của khách hàng. Tổng số tiền ước tính phải chi trả quyền lợi bảo hiểm là khoảng 21,25 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp nhận khoảng 14.772 thông tin thiệt hại về bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm xe cơ giới và các nghiệp vụ khác, gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm nông nghiệp. Hiện tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng bồi thường là 416,7 tỷ đồng.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, hiện đơn vị này chưa ghi nhận được phản ánh nào của khách hàng về việc bồi thường chậm, hoặc từ chối bồi thường khi có đầy đủ hồ sơ tài liệu theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm.
Trước đó, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi bão tan, ngày 25/9, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục, tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, bố trí nhân sự hỗ trợ, hướng dẫn cho khách hàng bị ảnh hưởng thiệt hại về hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường.
Ngày 23/10, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn gửi các doanh nghiệp bảo hiểm về việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP và đẩy nhanh quá trình giám định, xác định thiệt hại, đánh giá tổn thất, tạm ứng, bồi thường...đảm bảo việc bồi thường được nhanh chóng, đầy đủ, đúng quy định.
Thành Lâm