Sân chơi văn hóa
Thành lập năm 2007 với tên gọi CLB Hương Quê có 10 thành viên,ữgiaacutetrịvănhoacuteatruyềnthốtỉ số trận bologna đến năm 2010 đổi thành CLB dân ca Đồng Phú và hiện CLB luôn duy trì số lượng 15 người hoạt động thường xuyên. Các thành viên đều có năng khiếu ca hát, múa, diễn kịch, chơi nhạc cụ. Hoạt động của CLB là phục hồi chất cổ các làn điệu dân ca, khuyến khích tiết mục tự biên tự diễn, sáng tác ca khúc viết về Đồng Phú, Bình Phước, xây dựng hoạt cảnh chèo, quan họ...
Các nghệ sĩ không chuyên của CLB dân ca Đồng Phú thể hiện bài hát chèo “Hát về quê lúa Thái Bình”
Ông Vũ Trọng Bỉnh, Chủ nhiệm CLB cho biết, hầu hết thành viên quê gốc ở miền Bắc nên các làn điệu dân ca Bắc Bộ đã ăn sâu vào mỗi người. Vì vậy, họ thể hiện rất thành công các điệu chèo, quan họ, hát văn. Mỗi tháng một lần, các thành viên lại tổ chức sinh hoạt, tập luyện tác phẩm để đi biểu diễn ở các hội thi, hội nghị.
Qua 15 năm hoạt động, CLB đã biểu diễn hàng trăm tác phẩm phục vụ nhân dân địa bàn và tham gia biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh. CLB còn sáng tác những tiểu phẩm phản ánh tệ nạn xã hội, ca cảnh, hoạt cảnh về chủ đề quê hương, đất nước, biển đảo thân yêu... và giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi văn nghệ quần chúng trong tỉnh. “Nổi bật nhất ở CLB là hát chèo và quan họ. Hai làn điệu này được mang từ quê hương Thái Bình và Bắc Ninh vào Bình Phước, với mong muốn lưu giữ các giá trị truyền thống, di sản của dân tộc cũng như tạo sân chơi văn hóa cho những người con xa quê và lan tỏa đến bạn bè khu vực phía Nam” - bà Vũ Minh Thiện, Phó Chủ nhiệm CLB dân ca Đồng Phú cho biết.
Bảo tồn làn điệu chèo
Đường về quê lúa hôm nay
Nghe lòng xao xuyến đắm say bồi hồi
Thái Bình đã tự bao đời
Quê hương em đó là nôi hát chèo.
Nói đến nghệ thuật dân gian thì không thể không nhắc đến hát chèo. Chèo là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam, phát triển mạnh ở phía Bắc, đặc biệt là đồng bằng sông Hồng. Chèo cũng được coi là loại hình sân khấu của hội hè đặc sắc. Không chỉ phổ biến từ thời xa xưa, mà ngày nay chèo vẫn có được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán, thính giả.
Bà Dương Thị Hồng Đấu, người con của quê hương Thái Bình và là thành viên CLB cho biết: “Hát chèo phải đúng phách nhịp, rõ lời. Khi hát về mẹ, về cha, về Bác… khán, thính giả thưởng thức phải rưng rưng nước mắt, đó mới là thành công của hát chèo”.
Nghệ sĩ Vũ Minh Thiện thể hiện bài hát dân ca quan họ Bắc Ninh “Ngồi tựa sông đào”
Xuất phát từ âm hưởng của giai điệu dân ca, chèo dần hình thành các tố chất buồn, vui, trong sáng, trầm tư, dí dỏm, trào lộng... được thể hiện ở từng câu, từng đoạn trong mỗi hoàn cảnh, nhân vật cụ thể. Trong sự phát triển thăng hoa của lối nói, hát, đã xướng lên, ngân nga thành làn, thành điệu. Nhạc cụ chủ yếu của chèo là trống chèo. Chiếc trống là một phần của văn hóa cổ Việt Nam, người nông dân thường đánh trống để cầu mưa và biểu diễn chèo. “Chỉ cần sáo, trống, tam nhị là các anh, các chị đều có thể hát chèo được. Tuy nhiên, hát chèo phải luyến láy nên khó hơn các làn điệu dân ca khác” - chị Ngô Thị Bích Nhuần, thành viên CLB cho biết.
Diễn chèo là nghệ thuật kịch diễn xướng phải khổ luyện, do vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa, lại không một đồng thù lao nhưng những thành viên CLB vẫn say sưa đánh đàn, học hát, tất cả vì tình yêu với quê hương, đất nước.
Giữ gìn nét đẹp dân ca quan họ
Cùng với hát chèo, các thành viên CLB dân ca Đồng Phú còn tích cực luyện tập múa hát dân ca quan họ. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể, mang đậm bản sắc của người con Bắc Ninh - Kinh Bắc. Dân ca quan họ Bắc Ninh đã lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc, trở thành biểu tượng văn hóa, “sứ giả” của công chúng Việt Nam.
Bà Vũ Minh Thiện, Phó Chủ nhiệm CLB, người con quê hương Bắc Ninh cho biết, khi hát quan họ thì phải có đủ 4 tố chất “vang, rền, nền, nẩy”. Hát quan họ không khó, chỉ cần có chất giọng là ai cũng có thể hát được. Cái khác, đó là người con gái quan họ khi đi hát mặc yếm bên trong, áo tứ thân bên ngoài thì bao giờ dải lụa đào cũng phải vắt ra đằng trước, đó là cái duyên của người con gái quan họ.
Mỗi bài quan họ đều có giai điệu riêng, cho đến nay đã có ít nhất 300 bài quan họ được ký âm. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá. Kho băng ghi âm hàng ngàn bài quan họ cổ do nghệ nhân ở các làng quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Ngày nay, trước sức ép của xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, quốc tế hóa về văn hóa và sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng, nhiều ưu thế của các loại hình văn hóa, nghệ thuật, cũng như nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác, quan họ cũng đối mặt với thách thức lớn là nguy cơ bị mai một, thậm chí có thể bị mất hẳn nếu không kịp thời có biện pháp bảo vệ lâu dài cho thế hệ trẻ. Bởi vậy, lề lối sinh hoạt ca hát quan họ, những giọng hát cổ với kỹ thuật “vang, rền, nền, nẩy” vốn đã làm nên giá trị đặc sắc của dân ca quan họ đang lưu giữ trong trí óc và trái tim say nghề của các cụ “liền anh, liền chị” nay đã ở tuổi 70 đến 90 rất cần được trao truyền và tiếp nối.
“Hát chèo và dân ca quan họ vài năm nữa sẽ bị mai một vì bây giờ nhạc trẻ nhiều quá. Nếu không đưa vào trường học thì các em, các cháu sau này sẽ không biết dân ca là gì, sẽ mất hết nét truyền thống của ông cha ta. Tôi mong các cấp, ngành quan tâm đến làn điệu này để các em, các cháu thấy rằng, các cô, các chú dù xa quê vẫn quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc để học tập, làm theo”. |
Bà VŨ MINH THIỆN Phó Chủ nhiệm CLB dân ca Đồng Phú |
Trong dòng văn hóa và nghệ thuật âm nhạc dân gian Việt Nam chảy từ ngàn xưa, giữa sự đa dạng và đa diện của các dòng dân ca thì chèo và quan họ vẫn chiếm ưu thế, mang nét đặc sắc và độc đáo riêng. Đó là tài sản vô giá cần được tiếp tục nuôi dưỡng, trân trọng, giữ gìn và lưu truyền lại cho thế hệ mai sau.