Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong,ếgiớivượttriệucamắcAnhbỏyêucầutựcá2/2.5 Trung Quốc, ngày 8/2/2022. |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 403.511.696 ca, trong đó có 5.788.071 người tử vong.
Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron và các biến thể phụ của Omicron.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục gây lo ngại về số lượng, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Ấn Độ, Nga và Brazil và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 180.000 ca), trong khi Mỹ cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.500 ca.
Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số quốc gia châu Á. Tại Indonesia, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết gần 100% kết quả giải trình tự cả bộ gene (WGS) tại Java – hòn đảo đông dân nhất thế giới và chiếm hơn 56% dân số Indonesia – thuộc biến thể Omicron.
Tại Trung Quốc, khu hành chính đặc biệt Hong Kong lần đầu ghi nhận số ca mắc vượt 1.000 ca/ngày, với 1.161 ca. Đặc khu hành chính này cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên được cho là liên quan đến COVID-19 trong 5 tháng qua là một cụ ông 73 tuổi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền Hong Kong đã công bố các quy định hạn chế nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Theo đó, từ ngày 24/2, ngoài ứng dụng “Leave home Safe” (Đi lại an toàn), người dân phải trình “thẻ thông hành vaccine” khi đến 23 địa điểm như nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm, chợ, đền chùa... Đồng thời, chính quyền đã đóng cửa trường học, sân chơi, phòng tập thể dục... Ăn tối trong nhà hàng bị cấm từ sau 18h.
Hong Kong cũng nghiêm cấm tụ tập từ 2 người trở lên tại nơi công cộng, chỉ cho phép tối đa 2 gia đình được tụ họp với nhau. Các chuyến bay giảm khoảng 90% do hạn chế đi lại.
Hàn Quốc cũng đã thay đổi tiêu chuẩn quản lý đối với bệnh nhân COVID-19 và những người tiếp xúc gần, để hợp lý, đơn giản và hiệu quả hóa các hướng dẫn và quản lý phòng dịch trong bối cảnh số lượng ca nhiễm tăng vọt do biến thể Omicron.
Theo đó, thời gian cách ly đối với bệnh nhân COVID-19 đã hoàn tất tiêm phòng vaccine (người đã tiêm mũi hai được từ 14-90 ngày và tiêm đủ 3 mũi) cũng như với người chưa tiêm chủng đều là 7 ngày (thay vì 10 ngày như trước đây).
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Nagoya, Nhật Bản, ngày 3/2/2022. |
Tương tự, Nhật Bản đang lên kế hoạch khuyến nghị các bệnh viện xem xét cho các bệnh nhân COVID-19 nội trú ra viện vào ngày thứ 4 sau khi nhập viện nếu họ không cần thở oxy hoặc không có các triệu chứng nghiêm trọng trong bối cảnh hệ thống y tế ở nhiều địa phương sắp rơi vào tình trạng quá tải vì số ca mắc tăng vọt.
Theo đó, mục đích của việc cho phép các bệnh nhân nội trú bắt đầu hồi phục ở nhà hoặc chuyển bệnh viện sớm là nhằm ngăn chặn tăng số bệnh nhân nội trú, qua đó giảm áp lực về nguồn lực y tế, trong đó có giường bệnh. Mặc dù vậy, riêng đối với các bệnh nhân cao tuổi, Bộ Y tế Nhật Bản sẽ kêu gọi các bệnh viện phải đưa ra đánh giá một cách cẩn trọng. Dịch đã bùng phát dữ dội ở Nhật Bản vào đầu năm nay, chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể Omicron. Ngày 8/2, nước này ghi nhận thêm 92.078 ca mắc mới và 159 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Âu, Thủ tướng Slovenia Janez Jansa cho biết, ông đã mắc COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh tại quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này đang trên đà giảm. Ông Jansa cho biết hiện ông xuất hiện các triệu chứng nhẹ. Trong khi đó, tại Đan Mạch, Cung điện Hoàng gia thông báo Nữ hoàng Margrethe cũng đã mắc COVID-19 với các triệu chứng nhẹ. Hiện Nữ hoàng Margrethe, 81 tuổi, đang cách ly trong Cung điện Amalienborg tại Copenhagen.
Ngày 9/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, ngay trong tháng 2 này, vùng England có thể sẽ bỏ quy định luật pháp yêu cầu tự cách ly sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nếu tỷ lệ lây nhiễm duy trì ở mức ổn định.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8/2 lưu ý thế giới đã ghi nhận thêm nửa triệu ca tử vong vì COVID-19 kể từ khi xuất hiện biến thể Omicron. Ông Abdi Mahamud, chuyên gia thuộc Nhóm hỗ trợ quản lý tình hình COVID-19 của WHO, nêu rõ 130 triệu ca nhiễm mới và 500.000 ca tử vong đã được ghi nhận trên toàn cầu kể từ khi biến thể Omicron được tuyên bố là biến thể đáng lo ngại vào cuối tháng 11/2021.
Kể từ đó, Omicron đã vượt Delta trở thành biến thể chủ đạo trong đại dịch COVID-19 trên thế giới vì khả năng lây lan nhanh hơn, dù có vẻ gây bệnh ít nghiêm trọng hơn. Ông Mahamud cho rằng trong bối cảnh đã có các vaccine hiệu quả, vẫn có tới nửa triệu người tử vong, đó là điều đáng suy nghĩ.
Dù mọi người đều nói Omicron gây bệnh nhẹ hơn, nhưng họ đã không nhận thấy một thực tế là nửa triệu người đã tử vong kể từ khi biến thể này được phát hiện. Thực tế này còn hơn cả bi thảm.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 88.048 ca mắc mới COVID-19 và 257 ca tử vong.
Tới hết ngày 9/2, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 17.333.424 trường hợp và 316.358 ca tử vong. Trong ngày 9/2, Indonesia có số ca mắc mới (trên 64.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi Việt Nam ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (93 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Hiện đã có ít nhất 9 thành viên ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Phnom Penh, Campuchia. |
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Điểm nóng này hạ nhiệt nhanh chóng trong vài tháng trước, song những ngày qua dịch bệnh đang leo thang trở lại khi số ca mắc mới tăng vọt.
Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 9/2 ghi nhận thêm trên 13.000 ca bệnh mới và 24 người tử vong.
Campuchia số ca mắc mới cũng tăng trở lại sau một thời gian giảm, với trên 200 bệnh nhân mới nhưng không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 137.000, số ca mắc mới trên 500 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 6 trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới./.