VHO - Dù thị trường điện ảnh Việt Nam được đánh giá là đang phát triển rất sôi động,ỡkhóđểđiệnảnhViệtcấtcásố liệu thống kê về musa al-taamari thế nhưng đối với các nhà làm phim nội địa thì vẫn còn đó không ít khó khăn. Chính vì thế, tại các buổi tọa đàm thuộc khuôn khổ LHP quốc tế TP.HCM lần thứ nhất vừa qua, nhiều vấn đề thiết thực đã được nêu ra nhằm tìm giải pháp, tạo đột phá cho điện ảnh TP nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Muôn nẻo khó khăn
Phát triển điện ảnh TP.HCM, Tương lai điện ảnh Đông Nam Á… là những tọa đàm bàn về chính sách thuế, phí ưu đãi, khơi thông nguồn vốn đầu tư vào công nghiệp điện ảnh được đông đảo các nhà làm phim quan tâm. Tại đây, đại diện các rạp chiếu, nhà phát hành phim đã thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắc tồn tại suốt thời gian qua.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung CGV Việt Nam và bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc hãng BHD cùng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về những điều chỉnh dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng mới, trong khi chi phí cố định của rạp chiếu vốn đang rất cao như tiền thuê mặt bằng, điện, nước… Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Các doanh nghiệp phim ảnh ở Việt Nam hiện không có lời. Vấn đề lo lắng mới nhất là thuế VAT tăng từ 5-10%, trong khi mỗi cụm rạp chiếu phải chi từ 5-10% doanh thu để trả tiền điện, nước, cùng với đó giá thuê mặt bằng ở Việt Nam cũng rất cao so với khu vực. Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng mới vì thế sẽ gây không ít khó khăn cho các đơn vị kinh doanh rạp chiếu khi đang phải nỗ lực “gồng” chi phí”.
Cũng trong báo cáo tổng quan về ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, bà Ngô Thị Bích Hạnh cho biết: “Hiện có khoảng dưới 50 doanh nghiệp Việt thực sự sản xuất phim, và trong số đó cũng chỉ có dưới 50% doanh nghiệp sản xuất được từ 2 phim trở lên. Các doanh nghiệp sẽ kết hợp với một đơn vị phát hành trên cơ sở phân chia doanh thu từ bán vé, tỷ lệ phân chia khoảng 50% cho bên sản xuất/ phát hành phim và giảm theo tuần”.
Trong khi đó, kinh phí sản xuất một bộ phim rơi vào khoảng từ 5 - 55 tỉ đồng. Với tỷ lệ ăn chia như trên, mỗi phim thu về dù gấp đôi thì vẫn chưa thể hòa vốn, vì còn phải cộng thêm các chi phí về phát hành, truyền thông, quảng bá… Việc xin ngân sách để làm phim theo mô hình Nhà nước - tư nhân không đơn giản, còn việc gọi vốn từ quỹ nước ngoài chủ yếu dành cho các nhà làm phim trẻ. Vì vậy, nguồn chính vẫn là từ các nhà đầu tư tư nhân.
Đồng quan điểm trên, nhà sản xuất Will Vũ (sáng lập kiêm CEO của Muse Films và VMF Capital) chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình: “Tùy theo mỗi dự án, nhưng thông thường là 45% vốn chủ sở hữu, 15% từ Công ty đầu tư VMF Capital của tôi điều hành, 10% từ nhà rạp, còn lại 30% từ đối tác bên ngoài và các đơn vị đồng hành”. Anh cho rằng, việc đầu tư vào điện ảnh tương đối rủi ro, cũng vì lẽ đó mà phim rất khó vay vốn để sản xuất vì “chỉ là tài sản vô hình”.
Bớt những nỗi lo
Trước vướng mắc của giới làm phim, các nhà làm chính sách cho biết, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã tạo điều kiện thuận lợi và có nhiều hứa hẹn sẽ giúp tháo gỡ, “cởi trói” các vấn đề này.
Với những ý kiến về khó khăn hiện nay của các chủ rạp, nhà phát hành, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM cho biết, trong danh mục TP hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng công trình có phần xây dựng các cụm rạp. Theo đó, mức vốn vay tối đa của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỉ đồng/dự án với lãi suất 0% trong 7 năm. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh có thể vay nhiều hơn nếu có nhu cầu và chỉ phải trả lãi suất nếu cao hơn con số 200 tỉ. “Đây là chính sách thiết thực, thủ tục vay đơn giản và chúng tôi có bộ phận hỗ trợ các doanh nghiệp khi cần thông tin”, ông Nguyễn Quang Thanh nói.
Cùng với đó, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2030, tổng kinh phí đầu tư xây dựng và hỗ trợ phát triển các ngành CNVH trên địa bàn TP.HCM, trong đó có điện ảnh, lên đến hơn 14.600 tỉ đồng. Vì thế, ông cũng đề xuất ba nhóm giải pháp là: Đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực; Rà soát, đề xuất danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công - tư; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư trên lĩnh vực văn hóa và có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển các cụm rạp chiếu phim.
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư cũng tiết lộ, trong tháng 4 sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến văn hóa với mục tiêu giúp các nhà sản xuất phim kết nối giao thương, hợp tác, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.
Hiến kế cho điện ảnh TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, nhiều nhà quản lý, chuyên gia nước ngoài cũng đưa ra những giải pháp thiết thực. Ông Kim Donghyun, đại diện Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) cho biết, điện ảnh Việt đang giống Hàn Quốc những năm 2000 khi thị trường trong quá trình mở rộng. “Tôi hy vọng Việt Nam sẽ có những định hướng phù hợp, đặc biệt trong việc sử dụng và phát huy các chất liệu văn hóa bản địa. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cũng sẽ là bài học để Việt Nam không mắc phải sai lầm mà chúng tôi đã trải qua”, ông cho biết.
Còn bà Emmanuelle Pavillon - Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM, nêu ra các nhóm giải pháp cho điện ảnh Việt Nam, đó là: Thành lập Ủy ban về điện ảnh nhằm giải quyết mọi thắc mắc, Cung cấp thông tin đầy đủ về điện ảnh TP; Có quỹ tài chính hỗ trợ các đoàn phim; Tham gia nhiều hơn các sự kiện điện ảnh quốc tế để quảng bá hình ảnh TP.HCM cũng như Việt Nam ngày càng sâu rộng.
Theo NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, để xây dựng một nền điện ảnh phát triển, không những cần cơ chế chính sách hay sự đầu tư mà còn cần nhiều yếu tố khác, như nguồn nhân lực… Việc tiếp thu và tự thay đổi để có thể trở thành một nền công nghiệp điện ảnh thật sự phát triển là cả quá trình chuyển đổi. Chính vì thế, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM hy vọng các nguồn lực bên ngoài sẽ phối hợp với nguồn lực tại chỗ để phát triển điện ảnh nước nhà nhanh chóng, bền vững.
Rõ ràng, để thị trường điện ảnh Việt phát triển và khai phá hết tiềm năng vốn có, mở rộng thị phần cạnh tranh với phim ngoại, cũng như trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thì cần thêm nhiều chính sách thiết thực để tháo gỡ vướng mắc, tạo niềm tin cho người làm nghề. Bên cạnh đó, cần có sự thay đổi và đi lên từ chính những người trong nghề, từ các nhà sản xuất đến các nhà phát hành, bởi nâng chất lượng phim lên cao vẫn là công tác hàng đầu để điện ảnh Việt có thể “cất cánh”.
Lễ hội Nhiếp ảnh quốc tế TP.HCM lần 2 sẽ diễn ra vào cuối tháng 11
Vừa qua, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM đã phát động Cuộc thi ảnh quốc tế TP.HCM lần thứ 3 và tổ chức triển khai các nội dung hoạt động của Lễ hội Nhiếp ảnh quốc tế lần 2 tại TP.HCM. Theo đó, Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 29.11 - 2.12 với nhiều hoạt động: Đường Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (tại trục đường Đồng Khởi - Nguyễn Du) với chủ đề Thế giới qua ống kính nhiếp ảnh; triển lãm Thành phố tôi yêu trước Công viên Chi Lăng; Hội chợ nhiếp ảnh tại Nhà văn hóa Thanh niên; Trại sáng tác với chủ đề TP.HCM qua góc nhìn Nhiếp ảnh quốc tế…
Cuộc thi ảnh quốc tế TP.HCM lần thứ 3 do Hội Nhiếp ảnh TP.HCM (HOPA) tổ chức, với sự bảo trợ của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP), Hội Hình ảnh không biên giới (ISF), Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA). Tác giả gửi tác phẩm dự thi qua website: https://hopaphotocontest3rd.com. H.H