Nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ lại sinh sống ở đảo xa hoàn toàn cách biệt với đất liền, nhưng cậu học trò nghèo Nguyễn Duy Tuấn có nghị lực vượt khó đáng khâm phục. Sau khi học được cái chữ từ lớp học tình thương trên Hòn Chuối, không như những đứa trẻ khác phải theo cha mẹ làm nghề đánh bắt khơi xa, Nguyễn Duy Tuấn vượt qua bao cách trở để vào đất liền tiếp tục con đường học vấn đầy gian khó.
Quyết chí học hành thành đạt, Nguyễn Duy Tuấn thi đậu vào đại học và mở ra con đường mới cho tương lai của mình. Từ khi bước chân vào Trường Ðại học Bình Dương - Phân hiệu Cà Mau chuyên ngành Xây dựng, Duy Tuấn không ngừng phấn đấu và học hỏi, từng bước hoàn thiện bản thân.
Em Nguyễn Duy Tuấn đang học bài tại nhà. |
Ðược thầy cô và bạn bè tín nhiệm bầu làm lớp trưởng, Tuấn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Tuấn còn là thành viên tích cực của Ðội công tác xã hội, một đoàn viên xông xáo, đầy nhiệt huyết khi tham gia các hoạt động do Ðoàn Phân hiệu tổ chức. Bằng ý chí và nghị lực của bản thân, Duy Tuấn đã vượt qua mọi khó khăn để học tập và thực hiện ước mơ của mình sẽ trở thành một kỹ sư xây dựng, tìm công việc ổn định để người mẹ nơi đảo xa không còn phải vất vả làm bạn với biển khơi.
Nhà của Tuấn kề bên lớp học tình thương trên Hòn Chuối, là căn nhà đơn sơ, ọp ẹp. Nhiều năm qua, đây là ngôi nhà chung cho các em học sinh khi đến lớp gặp lúc trời dông bão, trường lớp bị tố lốc, thầy và trò sang lánh nạn. Chị Thu Lan, mẹ của Tuấn, có gia cảnh ngặt nghèo, là thế hệ thứ hai ra đảo lập nghiệp từ những năm đầu của thập niên 90. Trong lúc nghèo khó, chồng bị bệnh mất sớm để lại 3 đứa con, hoàn cảnh khó khăn càng thêm chồng chất lên đôi vai người phụ nữ này. 2 đứa con lớn thất học vì phải sớm cùng mẹ tìm kế sinh nhai nơi đảo xa. Nguyễn Duy Tuấn may mắn được các chiến sĩ Ðồn Biên phòng tạo điều kiện vào lớp học tình thương.
Vì thấy con quá ham học, lúc Nguyễn Duy Tuấn lên 9 tuổi, chị Lan gửi vào đất liền cho người cô ruột sống ở TP Cà Mau để con tiếp tục được đi học. Mồ côi cha, lại phải sống xa nhà, dù rất nhớ mẹ và các anh nhưng chỉ vào dịp nghỉ hè hoặc Tết, Duy Tuấn mới được về thăm nhà. Ðường về nhà tận ngoài đảo xa, phương tiện đi lại rất khó khăn, phải đi nhờ tàu đánh cá của ngư dân.
Thấu hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ khi phải tảo tần buôn bán ngoài đảo xa, Duy Tuấn luôn cố gắng học tập, suốt 12 năm liền em đều đạt thành tích học sinh khá, giỏi. Duy Tuấn là 1 trong 2 sinh viên của lớp đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” của nhà trường. Với những thành tích đã đạt được, cộng với năng lực về hoạt động xã hội, Duy Tuấn đang được nhà trường chăm bồi để kết nạp Ðảng.
Ngoài giờ học, ban đêm em còn tranh thủ đi dạy kèm hoặc làm thêm tại Nhà Thiếu nhi Cà Mau để trang trải tiền học phí. Hiểu được hoàn cảnh vượt khó học tập của Duy Tuấn, Trường Ðại học Bình Dương - Phân hiệu Cà Mau đã đưa em vào danh sách “sinh viên nghèo vượt khó trong học tập” để tạo điều kiện cho em học tập tốt hơn.
Con đường đi tìm cái chữ, cái nghề của Nguyễn Duy Tuấn vô cùng vất vả, vậy mà em đã vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn để sánh vai với bạn bè trang lứa tự tin bước vào giảng đường đại học, để mai này trở thành công dân có ích cho xã hội. Duy Tuấn bộc bạch: “Mặc dù Hòn Chuối rất xa xôi nhưng đó là nơi đã nuôi dạy em nên người. Vì vậy, em tâm niệm sẽ đóng góp cho sự phát triển của quê hương Cà Mau nói chung và nếu có điều kiện sẽ góp phần xây dựng Hòn Chuối bằng những hành động cụ thể sau khi ra trường”./.
Bài và ảnh: Lê Phương Bằng