Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 2, cả nước xuất khẩu được 31.499 tấn hạt điều, đạt trị giá kim ngạch 286,325 triệu USD, giảm 9,9% về sản lượng, nhưng tăng 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, trong cùng thời điểm, nước ta nhập khẩu đến 100.836 tấn hạt điều, với tổng trị giá kim ngạch 214,9 triệu USD, tăng tới 67,3% về sản lượng và 119,5% về trị giá so với hai tháng đầu năm 2016.
Như vậy, trị giá trung bình xuất khẩu của hạt điều là 9.090 USD/tấn, trong khi giá nhập khẩu trung bình là 2.131 USD/tấn.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Hải quan (ngày 15/3), chia sẻ về những thông tin đáng chú ý trên, ông Đặng Hoàng Giang- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, sở dĩ mức giá nhập khẩu thấp hơn vì chúng ta nhập điều nguyên liệu (điều thô) và xuất khẩu điều nhân.
Như vậy, phải chăng ngành điều đang phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu? trả lời câu hỏi này, ông Đặng Hoàng Giang cho rằng, mới qua hai tháng đầu năm còn quá sớm để đưa ra nhận định, bởi thời điểm này trong nước chưa vào vụ thu hoạch (vụ thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 6).
Nhưng lãnh đạo ngành điều cũng thừa nhận hiện nay lượng điều nguyên liệu nhập khẩu đang chiếm tỷ trọng lớn. Đơn cử như năm 2016, sản lượng điều trong nước đạt khoảng 500 nghìn tấn, nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn (số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan là 1,039 triệu tấn- PV) chiếm 2/3 nguồn nguyên liệu.
Các thị trường nhập khẩu điều nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam trong hai tháng qua là: Indonesia, Bờ Biển Ngà, Campuchia…
Trong khi các thị trường xuất khẩu là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…
Năm 2016, ngành điều xuất khẩu được 346.844 tấn, tổng trị giá kim ngạch đạt 2,842 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 18,5% về trị giá. Đây là nhóm hàng nông sản xuất khẩu có kim ngạch lớn thứ hai của nước ta sau cà phê.