49% khách quốc tế đến TP.HCM vì sản phẩm du lịch có liên quan đến văn hóa
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch và phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, có mấy nhóm sản phẩm mà ngành du lịch đang hướng tới, trong đó có phát triển nhóm sản phẩm về du lịch văn hóa. Đây cũng là một trong 8 ngành (Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm, Quảng cáo, Du lịch văn hóa, Thời trang) được TP.HCM chọn để phát triển CNVH, thế nhưng nhóm sản phẩm này chưa phải là thế mạnh.
“Kết quả khảo sát khi làm Chiến lược du lịch cho biết, có đến 49% khách quốc tế đến TP.HCM vì các sản phẩm du lịch có liên quan đến văn hóa. Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ này có chiều hướng giảm. Lý do là chúng ta không có sản phẩm mới và quy mô, tính chuyên nghiệp trong sản phẩm không cao. Đây là một trong những thách thức lớn, vì nếu chúng ta khai thác tài nguyên văn hóa như trước đây vẫn làm, thì đang dần bão hòa, nó không có những cái mới trong sản phẩm, đặc biệt là về văn hóa”, bà Thảo chia sẻ.
Đại diện Sở Du lịch cũng cho hay, nhóm thứ hai mà TP.HCM đang không có - nói không có vì tỉ trọng đóng góp của nó cho ngành du lịch quá nhỏ, đó là các sản phẩm du lịch vui chơi giải trí mà dựa trên bản sắc văn hóa. “Chúng ta hoàn toàn không có những khu vui chơi giải trí mang tính đặc trưng của TP.HCM. Trong khi đó đây là nhóm lợi nhuận mang lại doanh thu rất cao. Hiện nay, các khu vui chơi giải trí của TP.HCM quy mô lớn có thể kể đến vẫn chỉ là Công viên Văn hóa Đầm Sen, Khu Du lịch Suối Tiên. Thế nhưng bản chất các khu vui chơi, du lịch đó cũng không mang đậm tính văn hóa, kể cả sự chuyên nghiệp trong đó. Như vậy thì, sản phẩm du lịch mà gắn với văn hóa, hiện nay TP.HCM đang không có sự cạnh tranh cao so với các quốc gia lân cận, thậm chí so với các địa bàn du lịch lớn trong cả nước, thì TP.HCM cũng đang tụt hậu và giảm sức cạnh tranh”, bà Thảo tâm tư.
Theo chuyên gia du lịch, việc chúng ta phát triển những tài sản, tài nguyên văn hóa của mình thành những sản phẩm chuyên nghiệp, có sự cạnh tranh cao, đòi hỏi sự đầu tư. Có một ví dụ mà ngành du lịch nói mãi khi bàn về các sản phẩm du lịch văn hóa, đó là trường hợp điển hình của À Ố Show. Đây là chương trình nghệ thuật rất thu hút khán giả, đặc biệt là khách quốc tế. À Ố Show biểu diễn rất công nghiệp nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa và mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Những show như vậy đòi hỏi bàn tay chuyên nghiệp của thành phần sáng tạo. Thế nhưng chúng ta đang thiếu những bàn tay chuyên nghiệp để biến sản phẩm văn hóa - nghệ thuật thành đẳng cấp để bán cho du khách.
Đề xuất đào tạo thí điểm cử nhân ngành CNVH
Năm 2018, chương trình đào tạo cử nhân Văn hóa học theo định hướng ứng dụng của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM được xây dựng với 3 chuyên ngành: Văn hóa Việt Nam, CNVH và Truyền thông văn hóa. Lần đầu tiên, chuyên ngành CNVH được đưa vào chương trình giảng dạy của một trường đại học ở Việt Nam.
Bà Lê Thị Hồng Quyên, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM cho biết, vì là chuyên ngành hoàn toàn mới nên việc xây dựng nền tảng cơ sở lý luận và thực tiễn là một thách thức lớn. Ngoài ra, phải cân đối giữa kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành và kiến thức chuyên ngành để đảm bảo mục tiêu, chuẩn đầu ra cũng như tỷ lệ giữa các khối kiến thức của ngành đào tạo. Với tỷ lệ 30,5% kiến thức chuyên ngành như hiện tại, các học phần chuyên ngành sâu về CNVH vẫn còn hạn chế.
Việc đào tạo cử nhân chuyên ngành CNVH tại Khoa Văn hóa học hiện nay theo mô hình đào tạo diện rộng, chưa xác định cụ thể những lĩnh vực đặc thù trong 12 ngành CNVH, dẫn đến sinh viên khi ra trường vẫn ít nhiều gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các công việc cụ thể. Hiện nay, CNVH chưa có tên trong danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học. Trong chương trình đào tạo hiện hành của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, CNVH là một chuyên ngành, chưa phải là một ngành. Sinh viên tốt nghiệp vẫn nhận văn bằng cử nhân Văn hóa học. Khoa Văn hóa học đang đề xuất đào tạo thí điểm cử nhân ngành CNVH và sáng tạo.
GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Việc xây dựng mã ngành riêng đào tạo về CNVH là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, khó khăn của trường là chưa có tiến sĩ đầu ngành, vì đây là ngành học còn quá mới mẻ, do đó Nhà trường có thể xin phép Bộ GD&ĐT cho cơ chế đặc thù, chỉ cần có tiến sĩ ngành gần”. Theo GS Tiên, chân dung của một cử nhân CNVH phải có các kỹ năng về cuộc sống, về sáng tạo nghệ thuật, về marketing, tìm hiểu thị trường, và thậm chí phải biết xây dựng chiến lược phát triển ở từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực, để công nghiệp văn hóa đi vào thực tiễn.
Liên quan đến việc tạo ra giá trị kinh tế trên nền tảng văn hóa, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài chia sẻ: “Tôi kỳ vọng trong quá trình đào tạo, nhà trường giáo dục cho sinh viên hiểu rằng phát triển CNVH nghĩa là vừa phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa phải kinh doanh hiệu quả. Đây là một việc khó vì tôi đã từng chứng kiến, trong quá trình làm kinh doanh ở các bảo tàng, khi quá lao vào câu chuyện kiếm tiền thì dễ làm chệch hướng, biến dạng, lu mờ các giá trị văn hóa truyền thống”.
Ông Trần Văn Phương, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM là đơn vị tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực ngành CNVH, cho thấy sự nhạy bén, kịp thời của nhà trường. Thế nhưng, đây là chuyên ngành đào tạo liên ngành, lĩnh vực mà kinh tế cũng cần, văn hóa sáng tạo cũng quan trọng… Vì thế, bên cạnh đào tạo trong nhà trường, người học rất cần được thực hành tại các đơn vị liên quan, để tăng tính ứng dụng. Đặc biệt, nhà trường cần quan tâm đào tạo về sở hữu trí tuệ.