Buổi làm việc này là dịp để MTTQ nhìn nhận lại những kết quả trong công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành Tài chính, những kế hoạch tới đây và cùng lắng nghe những ý kiến đóng góp về phương pháp giám sát việc thực hiện công tác cải cách này trong thực tế.
Đơn giản hóa tối đa
Báo cáo tại buổi làm việc về những kết quả cải cách thủ tục hành chính Bộ Tài chính đã triển khai trong năm qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, để triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả ban đầu.
Trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế và chủ trì phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp, trình Chính phủ, trình Quốc hội để sửa đổi, bổ sung, đơn giản hoá chính sách và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, rà soát lại các quy trình thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ thuế điện tử làm giảm số giờ tuân thủ thuế.
Qua rà soát, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung 4 Luật thuế và Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1-1-2015; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại 4 Nghị định quy định về thuế và có hiệu lực từ 15-11-2014.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 151/2014/TT-BTC và Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung nhiều Thông tư về thuế và có hiệu lực ngay từ 1-9-2014.
Với việc rà soát thể chế, đến 1-1-2015, số giờ thực hiện các thủ tục về thuế giảm được khoảng 370 giờ và còn phải tiếp tục giảm thêm 45,5 giờ nữa mới đạt được mục tiêu về số giờ nộp thuế mà Nghị quyết số 19 đã đề ra.
Cơ quan BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 1018/QĐ-BHXH về việc sửa đổi một số nội dung tại 5 Quyết định ban hành quy định quản lý thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó đơn giản hoá rất nhiều thủ tục, hồ sơ liên quan đến việc quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT; quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội... Những kết quả cải cách của cơ quan này dự kiến giảm được khoảng 100 giờ nộp các khoản bảo hiểm, còn 185,5 giờ.
Đối với lĩnh vực Hải quan, ngày 23-6-2014, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Hải quan năm 2014, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện đại hóa toàn bộ hoạt động hải quan và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại, tiên tiến.
Bên cạnh đó, sau 2 năm đầu tư, chuẩn bị, Bộ Tài chính đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao Hệ thống thông quan hàng hoá tự động (VNACCS/VCIS) giữa Nhật Bản và Việt Nam vào ngày 25-4-2014. Việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiết kiệm thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, nhân sự trong quá trình làm thủ tục...
Cộng với việc tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, thực hiện kiểm tra hàng hóa XNK bằng máy soi, thời gian giao thương hàng hóa qua biên giới theo yêu cầu Nghị quyết số 19 đã giảm được 25-30% về thời gian (còn 15-16 ngày).
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: "“Việc MTTQ và các đoàn thể tham gia giám sát thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua thủ tục thuế và hải quan là việc làm rất thiết thực, có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và quốc gia”. |
Giám sát chặt và thực tế
Phát biểu tại buổi làm việc, xuất phát từ việc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 19, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính là cần thiết. Hiện nay, toàn ngành Tài chính vẫn đang tích cực triển khai những hoạt động cải cách quan trọng, tập trung chủ yếu vào công tác hiện đại hóa và quản lý rủi ro.
Bộ trưởng khẳng định: “Việc MTTQ và các đoàn thể tham gia giám sát thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua thủ tục thuế và hải quan là việc làm rất thiết thực, có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và quốc gia”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, chính sách đã ban hành “chỉ là trên giấy tờ”, cần có những bước đi cụ thể hơn để sớm đưa chính sách vào cuộc sống, cũng cần những bước cụ thể để công khai, minh bạch thông tin cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng giám sát.
Bộ Tài chính luôn quyết liệt và phối hợp tích cực với mục tiêu để người dân và doanh nghiệp có thể thực sự được thụ hưởng những cải cách đã được đặt ra.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự chủ động quyết liệt của Bộ Tài chính trong việc triển khai các Nghị quyết của Chính phủ thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Những chỉ số bước đầu đáng khích lệ của Bộ Tài chính đã cho thấy sự quan tâm của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và toàn bộ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Dự kiến các chương trình phối hợp để giám sát hoạt động cải cách thủ tục hành chính trong năm 2015, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị việc phối hợp cần hướng đến thực hiện mục tiêu rút ngắn thủ tục, thời gian, nâng cao chất lượng dịch vụ, triển khai theo các chỉ tiêu của Chính phủ đã nêu ra.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, việc giám sát cần rộng hơn, giám sát việc trả lời ý kiến công khai minh bạch, hỗ trợ thông tin của các cơ quan Thuế, Hải quan các cấp, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, sự tiếp thu, ghi nhận, sửa đổi của cơ quan Thuế, Hải quan trước những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hành chính cũng sẽ được giám sát chặt chẽ.
Về tiến độ thực hiện, trong những tháng còn lại của nửa đầu năm 2015, ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý ưu tiên chọn một số địa bàn trọng điểm về kinh tế như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai triển khai giám sát thủ tục thuế và BHXH; trong 6 tháng cuối năm 2015 triển khai giám sát về thủ tục hải quan.
“Đến tháng 6-2015 sẽ có kết quả giám sát ban đầu để đến tháng 10 có kết quả tổng hợp để báo cáo với Quốc hội và Chính phủ” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.