Hải quan xây dựng phương án giải quyết thủ tục hải quan khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp | |
Hải quan hỗ trợ tối đa doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan trong tình hình dịch Covid-19 | |
Sửa đổi chính sách để tiếp cận mô hình hải quan thông minh |
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Ảnh: Phong Nhân |
Cải thiện chính sách pháp luật theo hướng minh bạch
Nghị định sửa đổi sẽ kế thừa các nội dung Nghị định 59/2018/NĐ-CP hiện đang thực hiện ổn định, không có vướng mắc phát sinh; bổ sung các nội dung sửa đổi Nghị định gốc là Nghị định 08/2015/NĐ-CP (bao gồm các nội dung cần sửa đổi tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP).
Theo Tổng cục Hải quan việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP trong giai đoạn này là cần thiết bởi trong những năm qua, Việt Nam tham gia ký kết một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới (như: EVFTA, CPTPP,…) đã khẳng định những cam kết sâu rộng và toàn diện, sẽ tạo điều kiện và động lực cơ hội để thay đổi, cải thiện chính sách pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Các FTA thế hệ mới đòi hỏi Việt Nam phải kiện toàn hơn bộ máy nhà nước, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở pháp lý, theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương kỷ luật của đội ngũ cán bộ công chức, phù hợp với các thỏa thuận và cam kết, từ đó, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, yêu cầu về cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới và chỉ số chung về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đòi hỏi cần triển khai các giải pháp để giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó cải cách toàn diện thủ tục kiểm tra chuyên ngành là một giải pháp hiệu quả.
Trong khi đó, ngày 26/1/2021, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 97/QĐ-BTC về việc phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số và hướng tới xây dựng mô hình hải quan thông minh nhằm đưa Hải quan Việt Nam trở thành tổ chức hải quan hiện đại, theo các xu hướng và chuẩn mực quốc tế đảm bảo ứng dụng các thành tựu công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0; phấn đấu đến năm 2025, đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển như: EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Mô hình hải quan thông minh sẽ có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Trong khi đó, Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP qua thời gian thực hiện đã bộc lộ một số vướng mắc, không còn phù hợp với thực tế công tác quản lý hiện nay hoặc chồng chéo với các quy định mới được ban hành, như: quy định về khai và nộp hồ sơ hải quan, quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, công tác kiểm tra sau thông quan, chương trình doanh nghiệp ưu tiên, công tác kiểm tra, xác định trị giá hải quan, các quy định liên quan đến Cơ chế một cửa quốc gia, kiểm tra chuyên ngành…
Tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng mô hình hải quan thông minh
Từ những yêu cầu thực tiễn đòi hỏi cần thiết phải sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP nhằm thống nhất các nội dung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Việc sửa đổi nghị định cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng mô hình hải quan thông minh, hải quan số gắn với triển khai Đề án tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể ngành Hải quan và khung Chiến lược phát triển hải quan trên cơ sở quản lý tập trung, ứng dụng thành tựu công nghệ mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, tạo thuận lợi thương mại, khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu hải quan với các bên liên quan.
Theo Tổng cục Hải quan, Nghị định cũng đảm bảo đơn giản hoá thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải. Đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, như: Hợp đồng Đăng cai tổ chức giải đua xe F1 giữa Công ty Formula One World Championship Limited và Ủy ban nhân dân TP Hà Nội; Khung tiêu chuẩn về an ninh an toàn SAFE của Tổ chức Hải quan thế giới; đồng thời, tạo nền tảng để tiến tới ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hơn nữa, Nghị định cũng củng cố cơ sở pháp lý về thông tin hải quan, trị giá hải quan, thẩm quyền xử lý, thực thi công vụ của cơ quan Hải quan trong các hoạt động kiểm tra sau thông quan và điều tra chống buôn lậu; nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
Các quy định được đề cập sửa đổi lần này gồm các vấn đề về thủ tục hải quan; về kiểm tra chuyên ngành, một cửa quốc gia; về trị giá hải quan; về công tác phân loại hàng hóa; về giải phóng hàng hóa, thông quan hàng hóa; về chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp; về quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; về hàng hóa quá cảnh; hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; về thủ tục hải quan đối với hàng hóa cung ứng lên tàu bay, tàu biển xuất cảnh; về thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh đường hàng không, đường biển; phương tiện vận tải xuất nhập cảnh đường biển; về công tác quản lý phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy nội địa và các phương tiện vận tải khác; về công tác quản lý kho ngoại quan; về kiểm tra sau thông quan; về công tác chống buôn lậu.