Nông dân Tân Thành chăm sóc vụ dưa hấu chuẩn bị Tết. |
Năm nay, diện tích vụ hoa màu Tết trên địa bàn xã Tân Thành tăng hơn so với năm trước, với các loại như dưa hấu, đậu đũa, đậu que, dưa leo, rau cải... Ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, cho biết: “Diện tích hoa màu toàn xã hiện gần 60 ha. Ðể giúp nông dân phát triển kinh tế, hội tích cực vận động bà con đa canh nhiều loại hoa màu trên cùng diện tích đất dễ tiêu thụ, tránh tình trạng cung vượt cầu. Hiện nay, hoa màu phát triển tốt, nông dân rất phấn khởi”.
Chuẩn bị vụ màu Tết, ông Trần Ðại Nỗng, Ấp 3, xã Tân Thành, tận dụng đất trống trên bờ ao nuôi cá chình trồng hơn 1 công đậu que. Ðây là năm thứ 5 gia đình ông chọn trồng đậu que vụ Tết (trước đó ông chỉ trồng đu đủ và các loại rau cải). Theo ông Nỗng, đậu que dịp Tết thường có giá cao, khoảng 25.000-30.000 đồng/kg, lại rất dễ tiêu thụ. Trung bình mỗi vụ đậu que bán Tết, ông thu về hơn 15 triệu đồng.
Ngoài gia đình ông Nỗng, ở Ấp 3 còn có 5 hộ khác cũng trồng đậu que. “Ðậu que dễ trồng, ít tốn diện tích đất nên rất thích hợp trồng trên bờ ao nuôi cá. Chủ yếu cần làm giàn cho dây đậu leo và chăm tưới nước thường xuyên thì năng suất sẽ cao. Trồng 1 lần có thể thu hoạch được gần 3 tháng, kéo dài sau Tết luôn”, ông Nỗng cho biết.
Vụ màu Tết năm nay, nông dân xã Lý Văn Lâm trồng trên 110 ha, trong đó nhiều nhất là dưa hấu, khổ qua, dưa leo, cà, rau cải... Hiện nay, nông dân đã xuống giống dưa hấu được khoảng nửa tháng, tổng diện tích 94,5 ha, trong đó có 22 ha dưa hấu VietGAP. “Không chỉ ở diện tích dưa VietGAP, nông dân trồng dưa bên ngoài cũng mạnh dạn học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác theo hướng VietGAP. Bà con luôn mong muốn sản phẩm làm ra đạt năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ vững thương hiệu dưa hấu Lý Văn Lâm”, ông Mạc Ngọc Truyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, cho biết.
Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năm nay toàn bộ diện tích trồng dưa hấu của xã Lý Văn Lâm đều được sử dụng màng phủ nông nghiệp, hạn chế được cỏ dại, sâu bệnh, giảm công chăm sóc và nước tưới.
Ông Lâm Hoàng Sơn, ấp Thạnh Ðiền, có thâm niên 17 năm trồng dưa hấu và tham gia trồng dưa VietGAP được 3 năm. Vụ mùa năm nay ông trồng 10 công dưa hấu VietGAP, giống dưa không hạt Mặt Trời Ðỏ. “Trước đây, mỗi công dưa Tết tôi thu về khoảng 10-15 triệu đồng, từ khi tham gia VietGAP, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, thì giá thành nông sản cũng cao hơn. Bình quân mỗi công dưa VietGAP thu về hơn 20 triệu đồng, ăn Tết cũng sung túc hơn”, ông Lâm Hoàng Sơn chia sẻ.
Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19, năm nay nông dân thành phố rất phấn khởi, tích cực cải tạo đất, bắt tay vào vụ màu đón Tết. Hội Nông dân thành phố khuyến khích bà con sản xuất theo hướng VietGAP để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Bên cạnh các loại hoa màu được trồng thường niên, Tết năm nay, nông dân thành phố còn trồng dưa lưới, trồng táo, trồng nho trong nhà lưới để kết hợp tiêu thụ nông sản với dịch vụ du lịch sinh thái nhà vườn, phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch”, ông Nguyễn Lung Lăng, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cà Mau, thông tin./.
Thái Trinh