Đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn Lào Cai nhiều hạn chế |
Theógọivốnđầutưnhận định malaysiao quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, Lào Cai sẽ có 13 CCN. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 3 CCN đã được đầu tư hạ tầng tương đối hoàn chỉnh và đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 100%. 2 CCN đang được đầu tư một số hạng mục hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nội bộ, điện, nước…; 8 CCN còn lại chưa có nhà đầu tư hạ tầng mặc dù đã được thành lập trên dưới 10 năm.
Theo đại diện Sở Công Thương Lào Cai, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cũng rất mong muốn phát triển CCN nhằm tạo mặt bằng sản xuất ổn định, bảo đảm môi trường cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, để có những CCN được đầu tư bài bản, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn; trong khi đó, ngân sách địa phương lại eo hẹp. Mặt khác, việc kêu gọi các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư hạ tầng CCN cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng khoảng 100 tỷ đồng/CCN; trong khi đó, thời gian hoàn vốn rất chậm. Quyền của nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN đối với việc thu hút các dự án đầu tư thứ cấp còn hạn chế nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Hạ tầng ngoài hàng rào CCN phần lớn chưa có hoặc yếu kém cũng là nguyên nhân khó kêu gọi đầu tư.
Cùng đó, nhiều CCN được hình thành trước khi Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý CCN có hiệu lực. Tại các CCN này đã cho thuê đất sản xuất, kinh doanh với hình thức thuê rời từng dự án nên khó thu hút nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN chưa đủ mạnh, theo đó chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Có thể thấy, khó khăn nhất của Lào Cai trong phát triển CCN là thu hút các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Để giải quyết bài toán này, Sở Công Thương đã được UBND tỉnh Lào Cai chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN, từ chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng đến xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong CCN. Cùng đó, vận dụng linh hoạt nguồn vốn khuyến công quốc gia để hỗ trợ các địa phương lập quy hoạch chi tiết CCN và đầu tư hạ tầng thiết yếu.
Tuy nhiên, để tỉnh có thể phát triển CCN theo đúng quy hoạch, đại diện Sở Công Thương Lào Cai đề xuất: Các cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, phát triển CCN và quản lý các dự án sản xuất, kinh doanh trong CCN sát với thực tế và có tính khả thi cao, tránh chồng chéo; quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành trong lĩnh vực này. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương ưu tiên cho các tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn, trong đó có Lào Cai, tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về khuyến công; hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN với mức kinh phí cao hơn so với các địa phương có điều kiện thuận lợi. Thông qua các kênh thông tin, Bộ Công Thương giới thiệu các doanh nghiệp có đủ năng lực đến đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN tại tỉnh Lào Cai. Tỉnh cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi và mức ưu đãi hỗ trợ cao nhất đối với doanh nghiệp này.
Sở Công Thương Lào Cai đang xây dựng chính sách phát triển CCN được kỳ vọng sẽ giúp thu hút nhiều hơn nhà đầu tư, thực hiện đúng về tiến độ cũng như chất lượng quy hoạch phát triển CCN đã được phê duyệt. |