Người dân mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Gia Cư |
Giá hàng hóa vẫn "đứng im"
Ghi nhận tại chợ Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh sáng 11/8 tại các quầy bán hàng, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hóa mỹ phẩm đều chưa có sự giảm giá. Chị Hương- chủ quầy tạp hóa Thu Hương chia sẻ, mấy ngày qua liên tục khách mua hàng thắc mắc, tại sao giá xăng giảm mà giá hàng hóa không giảm theo? Chị Hương cũng cho biết, chờ mọi người cùng giảm chứ không thể tự ý giảm giá đột ngột. Vì theo thông lệ “buôn có bạn - bán có phường”.
Cũng tại chợ Bà Chiểu- quận Bình Thạnh, qua tìm hiểu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như đường, sữa, bột ngọt, mì gói, trứng, nước ép đóng chai,… đều chưa giảm giá nhiều, thậm chí một số mặt hàng còn tăng giá như khăn giấy, giấy vệ sinh, bánh quy, dầu gội đầu, bia... Riêng sữa được cho là đã tăng tới 30% so với trước.
Tìm hiểu tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, rất ít nơi giảm giá bán hàng, phần lớn chỉ thực hiện chương trình khuyến mãi. Theo đại diện ngành hàng thực phẩm khô của Siêu thị LotteMart Việt Nam, khi giá xăng hạ nhiệt thì siêu thị cũng chủ động đề nghị với các nhà cung cấp giảm giá bán và phối hợp thực hiện chương trình khuyến mãi. Nhờ vậy, một số mặt hàng như mì gói, thực phẩm, sữa… giảm giá từ 10-30%. Các mặt hàng tươi sống cũng được điều chỉnh giảm với mức giảm nhiều nhất 33%.
Về phía doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Đăng Hiến - Tổng giám đốc Công ty Bidrico, sản xuất nước ép đóng chai cho biết, dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên giá nguyên liệu đã tăng 25%. Khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải cũng tăng từ 10-15%. Nay giá xăng giảm thì cước vận tải chỉ giảm 5% và các công ty cung ứng nguyên liệu cũng chưa giảm giá.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, thời gian qua, phải kiềm giữ giá để giữ khách hàng, chỉ tăng giá bán hàng từ 6-8%, chưa tương ứng với mức tăng của nguyên liệu đầu vào nên thời điểm này cũng chưa giảm giá thêm được. |
Giá xăng giảm là điều kiện để điều chỉnh giá hàng hóa
Ông Nguyễn Anh Đức -Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, qua 12 đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, Saigon Co.op chưa tăng giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Do vậy, bây giờ chưa điều chỉnh giảm. “Hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã thực hiện chương trình bình ổn giá hàng tiêu dùng thiết yếu, không tăng giá bán hàng nên hiện tại cũng chưa thể giảm thêm được” - ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, yếu tố giá cả hàng hóa, xăng dầu chiếm tỷ trọng không lớn. Giảm giá xăng dầu sẽ là điều kiện để điều chỉnh giá. Tuy nhiên, giá thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, phân bón và nhiều nguyên liệu khác trong 2 năm qua tăng rất cao, ảnh hưởng đến việc tăng giá chung, chứ không phải riêng xăng dầu. Doanh nghiệp đang điều chỉnh để tiết giảm các chi phí giá thành để giữ được thị trường là vấn đề không chỉ người tiêu dùng quan tâm mà chính doanh nghiệp cũng rất quan tâm”.
Người mua hàng tại siêu thị. Ảnh: Gia Cư |
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Hiến - Tổng giám đốc Công ty Bidrico, giá xăng dầu giảm nhưng chưa tác động để giảm các yếu tố sản xuất khác, doanh nghiệp vẫn sản xuất với giá thành khá cao. “Chúng tôi mong giá xăng dầu giảm có thời gian ổn định lâu dài, khi đó mới dần ổn định giảm giá đầu vào và giá thành sản xuất sẽ giảm”- ông Hiến bày tỏ.
Theo phân tích từ các chuyên gia, giá xăng là 1 trong những yếu tố đầu vào của sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Mặc dù giá xăng đã giảm 5 lần sau 12 lần tăng giá nhưng hiện nay, nhiều nguyên liệu đầu vào khác cho sản xuất, nhất là nguồn nhập khẩu vẫn còn ở mức rất cao, cộng thêm chi phí lao động tăng. Tất cả các yếu tố đó làm cho giá cả hàng hóa tiêu dùng chưa thể đồng loạt giảm ngay mà cần có độ trễ và cần thêm sự điều chỉnh của giá nguyên liệu sản xuất khác./.
Trước thực trạng giá xăng dầu đã giảm khá sâu nhưng mặt bằng giá các loại hàng hóa tiêu dùng vẫn chưa giảm mà còn có dấu hiệu tăng đối với một số mặt hàng thiết yếu, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh vừa triển khai các biện pháp quản lý giá, cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường. Yêu cầu các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối cần tiếp tục rà soát, hỗ trợ áp dụng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng. |