Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung |
PV: Thời gian qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), nhờ đó thu thuế từ hoạt động này tăng lên qua các năm, đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước (NSNN). Ông đánh giá như thế nào về sự nỗ lực của cơ quan thuế trong thời gian qua?
LS. Hà Huy Phong: Phải nói rằng trong những năm qua, Bộ Tài chính nói chung, cơ quan quan lý thuế các cấp nói riêng đã có rất nhiều nỗ lực bằng những hành động thực tiễn như: cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế phục vụ người nộp thuế kê khai, nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ thuế được thuận lợi.
Về phía doanh nghiệp, người nộp thuế tôi thấy rằng, đã có sự chuyển biến, đồng thuận trong việc chấp hành pháp luật thuế rất nhiều. Nhờ đó mà số thuế nộp ngân sách từ hoạt động kinh doanh TMĐT tăng trưởng qua các năm.
PV: Mặc dù ngành Thuế đã có nhiều giải pháp để quản lý đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, nhưng việc gian lận thuế vẫn còn. Nhiều vụ việc đã được cơ quan thuế chỉ mặt, điểm tên. Dưới góc nhìn của ông, những chiêu trò né thuế, lách thuế phổ biến hiện nay là gì?
LS. Hà Huy Phong:Có thể nói, những hiện tượng gian lận, tiêu cực trong lĩnh vực thuế phản ánh sự thật mà trong bất kể một xã hội nào, nền kinh tế nào cũng có, đó là những tiêu cực nhất định. Bộ Tài chính cũng như cơ quan quản lý thuế đã có những biện pháp tích cực để ngăn chặn những hành vi trên.
Tuy nhiên, vẫn chưa hết được những tiêu cực trong nền kinh tế hiện nay. Sự xuất hiện của các ngành kinh tế mới, lĩnh vực dịch vụ mới đã phát sinh những chiêu trò mới. Tôi nói ví dụ như hiện tượng chuyển giá hiện nay, không chỉ chuyển giá trong nước ra nước ngoài, mà câu chuyện chuyển giá từ doanh nghiệp làm ăn có lãi sang những doanh nghiệp thua lỗ, hoặc là chuyển giá từ mảng doanh nghiệp sang cá nhân chẳng hạn.
Đặc biệt hơn, hiện nay đối tượng kinh doanh không với tư cách là doanh nghiệp, mà là với tư cách cá nhân. Ví dụ, chúng ta thấy những người kinh doanh online thì họ có thể kinh doanh nhỏ, kinh doanh to nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế vào NSNN nhằm trốn thuế.
Một vấn đề nữa là hiện tượng mua bán hóa đơn. Họ sử dụng những chứng từ, hóa đơn bất hợp pháp để kê khai đầu vào của hàng hóa nhằm làm giảm số thuế phải nộp NSNN. Đó là những chiêu trò tôi nghĩ là tương đối phổ biến trong các nền kinh tế hiện nay.
PV: Theo ông, để xử lý triệt để tình trạng trên, qua đó đảm bảo công bằng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cơ quan thuế cần có những giải pháp gì?
LS. Hà Huy Phong: Tôi cho rằng, chúng ta cần xử lý những tiêu cực để đảm bảo tính công bằng cho các chủ thể, cho người nộp thuế, đối tượng nộp thuế. Do đó, cần có những giải pháp mang tính dài hạn cũng như có các giải pháp trước mắt.
Về giải pháp dài hạn, tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; phải tăng cường những khuôn khổ về thể chế trong việc áp dụng cơ chế hóa đơn, chứng từ đối với những giao dịch kể cả giao dịch tiêu dùng của cá nhân. Ví dụ như chúng ta đi ăn nhà hàng thì cần có giải pháp khuyến khích chúng ta lấy hóa đơn và việc không lấy hóa đơn nên được tuyên truyền là có thể hỗ trợ cho hành vi trốn thuế, né thuế; cần tăng cường biện pháp tiêu dùng không dùng tiền mặt.
Còn về trước mắt, ngành Thuế cần phải rà soát để phát hiện những hành vi tiêu cực, hành vi vi phạm để có thể xử lý theo quy định pháp luật một cách nghiêm minh và đầy đủ nhất theo quy định của pháp luật; cần có sự giám sát chặt chẽ cơ sở kinh doanh để đảm bảo rằng họ tuân thủ đầy đủ việc xuất hóa đơn khi bán hàng hóa cũng như kê khai báo cáo thuế, theo đúng quy định của pháp luật.
PV: Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, theo ông cần có thêm giải pháp mạnh như thế nào để chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh này?
LS. Hà Huy Phong:Tôi cho rằng, vấn đề nằm ở thực thi pháp luật. Chúng ta đã có biện pháp để phát hiện hành vi vi phạm, nhưng việc thực thi pháp luật chưa hiệu quả, đồng bộ, thống nhất, nhất quán từ cả khối cộng đồng doanh nghiệp cũng như khối của người tiêu dùng cá nhân và hộ cá nhân kinh doanh hoặc là những chủ thể có tính đơn lẻ khác. Chúng ta phải quản lý đồng bộ, đầy đủ và xuyên suốt.
Hiện nay, cơ quan thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp quản lý thuế. Tuy nhiên, có nhiều lý do khác nhau mà chúng ta chưa thực hiện được một cách triệt để. Ví dụ, những nỗ lực của cơ quan thuế mời một số cá nhân có hoạt động kinh doanh online TMĐT tiêu biểu lên để động viên thuyết phục để người ta nộp thuế. Tuy nhiên, để thực hiện với tất cả chủ thể, đối tượng mà thực hiện hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh online thì chưa thực hiện được bởi hành lang pháp lý chưa có cơ chế đó.
Bên cạnh đó, chúng ta chưa có cơ chế quản lý hoạt động thu chi, chưa kiểm soát dòng tiền chảy qua tài khoản cũng như chưa có cơ chế bắt buộc các cơ sở kinh doanh này trước khi kinh doanh bắt buộc phải khai báo với cơ quan quản lý thuế cũng như cơ quan quản lý khác về thị trường về kinh doanh.
Tôi cho rằng, vấn đề này chúng chưa thực hiện một cách triệt để, quan trọng là chưa toàn diện để tất cả phải kê khai nộp thuế, tất cả người kinh doanh online đều có nghĩa vụ như nhau.
PV: Ngoài các giải pháp như đã nêu, xin ông cho biết kinh nghiệm quản lý thuế TMĐT của các nước trên thế giới như thế nào? Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm này như thế nào?
LS. Hà Huy Phong:Mỗi quốc gia đều có một môi trường kinh doanh khác nhau, giải pháp xuyên suốt trên thế giới áp dụng là cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó là sự quản lý liên thông giữa ngân hàng, cơ quan quản lý thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác. Họ áp dụng rất triệt để. Họ có cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu về tài chính, ngân hàng, tài khoản, quản lý thuế. Họ thực hiện cơ chế kê khai thuế thu nhập cá nhân rất chi tiết theo định kỳ và cơ chế hậu kiểm cá nhân trong việc kê khai thuế thu nhập cá nhân.
Có thể nói những nước phát triển như: Mỹ, Canada, Úc, Anh…, cơ chế về kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân của họ có nhiều ưu việt hơn và chúng ta nên học hỏi các nước./.
PV: Xin cảm ơn ông!