Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam Trần Việt Thanh; Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả,ảntrịtàisảntrítuệYếutốsốngcòncủadoanhnghiệmu - west ham trực tiếp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Bùi Nguyên Hùng; Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.Hồ Chí MinhTrịnh Minh Tâm; TS. Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (SHTT); PGS, TS. Vũ Văn Khiêm, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN; PGS,TS. Huỳnh Quyền, Phó Ban KH&CN Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và TS. Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội thảo, bà Phan Thị Châu, Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban Quản trị Tài sản Trí tuệ Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vĩ Long khẳng định, trong giai đoạn tham gia ngày càng sâu vào các Hiệp định thương mại tự do (TPP, AEC...), quản trị tài sản trí tuệ đã trở thành chức năng không thể thiếu của một doanh nghiệp. Là một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các loại thiết bị y tế, dược phẩm cổ truyền và thực phẩm chức năng, Công ty Vĩ Long đã phối hợp với trên 20 tổ chức và nhóm nhà khoa học khác nhau để nghiên cứu và phát triển, với hàng chục dòng sản phẩm đã được tiếp thị thành công. Nhờ lấy nghiên cứu và phát triển (R&D) làm khâu dẫn động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong 3 năm (2013 - 2015), trong khi doanh thu của công ty tăng trưởng tuần tự là 30%, 60% và 80% thì lợi nhuận lại tăng trưởng cao hơn với các mức tương ứng là 100%, 90% và 100%. Bà Châu cũng đã minh họa quá trình hình thành mạng giá trị của Nhãn hiệu dầu xoa An Phúc Bình đang là một mặt hàng chủ lực của công ty, bắt đầu từ bước tạo dựng mức độ nhận biết rộng rãi cho nhãn hiệu, đến việc hợp tác với các nhà khoa học để cải tiến và tái định vị nhãn hiệu, khảo sát khách hàng để ghi nhận các ấn tượng liên kết với nhãn hiệu và chất lượng cảm thụ của nhãn hiệu. Từ đó, Nhãn hiệu đã được phân phối rộng khắp trong toàn quốc, nhờ sự chủ động tiếp thị và tích cực đóng góp giá trị gia tăng cho nhãn hiệu của hệ thống đại lý.
Ông Nguyễn Ngọc Minh Thy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty LIKSIN kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần In nhãn hàng An Lạc cho biết đã ban hành các nội quy quản trị tài sản trí tuệ trong năm 2015 sau khi tham dự Chương trình tìm hiểu về Quản trị Tài sản Trí tuệ do Sở KH&CN TP.Hồ Chí Minh và Viện Khoa học SHTT phối hợp tổ chức. Từ khi thành lập, Công ty Cổ phần In nhãn hàng An Lạc đã khởi đầu bằng việc tiếp nhận dây chuyền và công nghệ in từ Đan Mạch, kết hợp quá trình áp dụng công nghệ với hoạt động sáng kiến cải tiến rộng rãi trong công ty để khai thác hết tính năng của công nghệ ngoại nhập trong việc tiếp cận thị trường và phục vụ khách hàng. Hiện nay công tác sáng kiến cải tiến tại công ty bắt đầu từ việc hàng năm định hướng các vấn đề trọng tâm và phát động đưa ra các ý tưởng đổi mới, chọn lọc các giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ các tác giả hoàn thiện ý tưởng, tổ chức áp dụng và treo bảng công bố tại từng địa điểm áp dụng, nếu có hiệu quả thì các tác giả và đồng tác giả thuyết trình trước công ty, các sáng kiến được đánh giá thông qua giá trị làm lợi để được trả trả thù lao hoặc tiền thưởng cho sáng kiến cải tiến. Cách làm đó vừa góp phần nâng cao trình độ của công nhân, tính minh mạch của môi trường quản trị và cả văn hóa kinh doanh của công ty. Bên cạnh việc biến hoạt động sáng kiến thành một nguồn lực chủ yếu để phát triển các tài sản trí tuệ, Công ty In nhãn hàng An Lạc cũng đã tuần tự áp dụng các công cụ quản trị tiên tiến như KAIZEN, ISO, 5S, LEAN, TPM, BSC và tự phát triển phần mềm ERP tích hợp tất cả các chu trình quản trị, kể cả quản trị tài sản trí tuệ. Nhờ vậy, trong giai đoạn (2005-2014), công ty có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định, vốn điều lệ tăng gần 10 lần, cổ tức trả đã gấp nhiều lần vốn góp, chi phí R&D và đổi mới công nghệ trong 10 năm hơn 100 tỷ và dự toán cho 3 năm sắp tới là 50 tỷ.
Còn bà Lê Thị Bé Ba, Trưởng phòng Quản lý và Hỗ Trợ Doanh nghiệp, Thư ký Ban Quản trị Tài sản Trí tuệ Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh lại nêu rõ quan điểm là sự sống còn của một doanh nghiệp khởi nghiệp nằm ở chỗ phải phát triển được ít nhất một tài sản trí tuệ mới (công nghệ mới, quy trình mới, giống cây mới...), nếu không thì rất khó vào được thị trường đã có sẵn các doanh nghiệp đang đi trước mình. Hơn nữa, tài sản trí tuệ đó phải có khả năng bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ. Nếu không, khi may mắn được thị trường ưa chuộng, các đối thủ cạnh tranh có tiềm lực mạnh hơn nhảy vào đầu tư, thì doanh nghiệp khởi nghiệp gần như không thể bảo vệ hoặc phát triển được thị phần. Do đó, hoạt động hỗ trợ ươm tạo phải là một chuỗi giá trị liên hoàn không chỉ bao gồm hỗ trợ hạ tầng, hỗ trợ trang-thiết bị , hỗ trợ đào tạo/huấn luyện nhân sự ... mà còn cần bao hàm cả hỗ trợ các thủ tục kiểm định, kiểm nghiệm và lưu hành sản phẩm, hỗ trợ về sử dụng dịch vụ sở hữu trí tuệ và tổ chức quản trị tài sản trí tuệ, hỗ trợ giao kết thương mại và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đàm phán và tham gia kênh phân phối...
TS. Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã làm rõ thêm về việc trong một trường đại học, để điều chỉnh các mối quan hệ trong quá trình tạo lập, ghi nhận, quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ, không chỉ có Quy chế Quản trị Tài sản Trí tuệ hay Quy chế Bảo mật, mà còn cần kể đến vai trò quan trọng của một số nội quy khác như: Quy định về quản lý hoạt động KH&CN tạo cơ sở cho các quá trình phát triển tài sản trí tuệ mới; Quy định về đạo đức trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học tạo nền tảng văn hóa trong việc tôn trọng Quyền tác giả, Quyền nhân thân và hội nhập vào môi trường khoa học quốc tế; Quy định về phân phối thu nhập từ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ góp phần hài hòa lợi ích phát sinh từ các tài sản trí tuệ mới... TS. Quang cũng minh họa các quy trình tổ chức thực hiện và quản lý đề tài KH&CN tại Trường Đại học Quốc tế, các cách thức định lượng phần đóng góp của các đồng tác giả công trình khoa học, mức thưởng đến 1.500 USD/điểm đối với các bài báo công bố vượt định mức, chính sách ưu tiên cho sinh viên đứng tên là tác giả đầu tiên đối với các công trình công bố để thuận lợi hơn trong việc xin học bổng nước ngoài, các kết quả so sánh và đánh giá mức độ sao chép quyền tác giả của các luận văn, mức độ tăng trưởng của nguồn vốn từ bên ngoài xã hội trong hoạt động R&D của nhà trường... Đó là các nền tảng quan trọng giúp Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh thu hút và đãi ngộ tốt lực lượng giảng viên và nghiên cứu viên tốt nghiệp từ nhiều trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, trở thành Trường Đại học công lập đầu tiên giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và tự chủ về tài chính, với hàng trăm bài báo khoa học công bố hàng năm.
ThS. Bùi Minh Hải, Quản trị viên Tài sản Trí tuệ Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam cung cấp một góc nhìn mới mẻ trong việc tiếp nhận chuyển giao các tác phẩm điện ảnh của các nhà sản xuất nổi tiếng thế giới để tổ chức phát hành và phân phối phục vụ khán giả Việt Nam. Để có thể lôi kéo khán giả vốn đang có trong tay rất nhiều công cụ tiếp nhận thông tin và thưởng thức nghệ thuật qua mạng đến rạp chiếu nhằm cảm nhận trọn vẹn các giá trị cảm xúc của một tác phẩm điện ảnh, CGV đã mạnh dạn phát triển hệ thống kinh doanh chủ đạo là các cụm rạp liên hoàn trên toàn quốc, tiếp nhận chuyển giao các công nghệ điện ảnh hiện đại như IMAX, 4DX, DOLBY ATMOS, SWEETBOX... để phục vụ công chúng, kết hợp phát triển các dịch vụ gia tăng tại điểm chiếu nhằm tăng tiện ích hưởng thụ cho khách hàng. Nhờ vậy, CGV hiện đang là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Việt Nam với thị phần trong hoạt động chiếu phim là 52%. Song song đó, CGV cũng hợp tác chuyển giao quyền phân phối với các đối tác khác với thị phần trong hoạt động phân phối phim tại Việt Nam là 78%. ThS. Hải cũng đã giới thiệu một số công cụ quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp kinh doanh trong ngành công nghiệp giải trí như các giao kết bảo mật, các hợp đồng nhận li-xăng quyền tác giả (license-in) và cấp li-xăng quyền tác giả (license-out), các kỹ thuật tự bảo vệ quyền SHTT như ghi nhận hành vi sao chép tác phẩm trái phép qua quay lén tại rạp, các yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền như gỡ bỏ các phim bị sao chép trái phép đăng tải trên mạng. Ông cũng nêu lên các khó khăn, trở ngại trong việc bảo vệ quyền tác giả tại Việt Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học SHTT đã đưa ra các thông tin và dữ liệu gây kinh ngạc về việc đã rất nhiều tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp có tên tuổi của Việt Nam, đặc biệt là các nhãn hiệu như bánh kẹo BIBICA, bánh kẹo KINH ĐÔ, bia SABECO, bia HUDA, cà phê HIGHLAND, PHỞ 24, dầu gội X-MEN, nước giải khát TRIBECO, dịch vụ siêu thị CITIMART, dịch vụ mua bán hàng kim khí điện máy NGUYỄN KIM... đã bị chuyển nhượng hoàn toàn quyền sở hữu qua các công ty nước ngoài. Ông Cẩn đã đưa ra nhiều phân tích chi tiết như 81% bên mua lại các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam có quốc tịch từ châu Á và châu Âu, 25% yếu tố thúc đẩy hành vi mua là các quyền sở hữu trí tuệ đã được xác lập, các tác động của quá trình chuyển nhượng tài sản trí tuệ đối với bên bán (doanh nghiệp Việt Nam) và bên mua (doanh nghiệp nước ngoài), các xu hướng chuyển dịch tài sản trí tuệ trong giai đoạn sắp tới và một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp Việt Nam..., đặc biệt là cần có hiểu biết và kỹ năng thực hành về quản trị tài sản trí tuệ.
TS. Đào Minh Đức, Trưởng phòng SHTT Sở KH&CN TP.Hồ Chí Minh đã cung cấp tài liệu giới thiệu về kết quả của Chương trình Đào tạo Quản trị viên Tài sản Trí tuệ tại TP.HCM trong giai đoạn 2011-2015 do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ tổ chức. Đây là Chương trình đầu tiên trong cả nước hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp, trường, viện tự xây dựng hoạt động SHTT và quản trị tài sản trí tuệ trong nội bộ. Thông qua việc tham gia nghiên cứu tại Chương trình, trung bình mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh có trên 20 người được đơn vị ra quyết định bổ nhiệm, phân công vào các chức danh như Chuyên viên Tài sản trí tuệ, Chuyên viên SHTT, Trưởng Bộ phận hoặc Phòng, Ban Quản trị Tài sản trí tuệ, Giám đốc Tài sản trí tuệ... và chính họ tự xây dựng, ban hành các quy chế, quy định, quy trình, thủ tục quản trị tài sản trí tuệ nội bộ của trên 20 doanh nghiệp, trường, viện khác nhau...
Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học SHTT đánh giá cao các kinh nghiệm thực tiễn và đa dạng của các thành viên cộng đồng quản trị tài sản trí tuệ tại TP.Hồ Chí Minh thể hiện qua các nội dung tham luận. Đồng thời cảm ơn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã quan tâm đến công tác quản trị tài sản trí tuệ thông qua việc thành lập Ban Quản trị Tài sản Trí tuệ của nhà trường và phối hợp hỗ trợ tổ chức thành công hội thảo này.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh: Cùng với quá trình sáng tạo và phát triển các tài sản trí tuệ mới, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong từng doanh nghiệp, trường, viện là rất quan trọng để tạo một môi trường rộng rãi cho việc vận dụng pháp luật sở hữu trí tuệ vào thực tiễn nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển giao áp dụng và nhân rộng các thành quả sáng tạo vào cuộc sống. |