【kết quả sturm graz】Ai đứng sau những lô hàng lậu về cảng Sài Gòn?
Khó khởi tố hình sự
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục đã phát hiện, bắt giữ 25 container chứa hàng cấm nhập khẩu của 11 doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan mới chỉ ngăn chặn được hàng hóa, còn việc xử lý các lô hàng này đang gặp khó khăn do không xác định được chủ thể vi phạm. Bởi, ngay khi những lô hàng cấm bị chặn bắt tại cửa khẩu thì các đối tượng đã đối phó bằng cách không đến làm thủ tục hải quan, từ chối nhận hàng, không đến chứng kiến việc khám xét, kiểm tra hàng.
Cá biệt, có trường hợp DN còn “giả chết” để từ chối hàng cấm. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty TNHH TM DV xuất nhập khẩu N. Công ty này nhập khẩu 2 container hàng từ Nhật Bản về Cát Lái. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 và Đội Kiểm soát Hải quan có nghi vấn, giám sát trọng điểm, DN không đến làm thủ tục nhận hàng. Khi cơ quan Hải quan thực hiện khám xét trọng điểm đã mời DN đến chứng kiến, song không thấy phản hồi và cũng không đến chứng kiến. Kết quả phát hiện hàng hóa chứa trong 2 container là hàng cấm nhập khẩu. Sau đó ít hôm, cũng chính DN này lại cử người đại diện mang giấy giới thiệu đến Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 xin làm thủ tục quá cảnh 1 container hàng nhập khẩu tương tự 2 container trên.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, thủ tục hàng hải dễ dàng cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho DN né tránh trách nhiệm khi thực hiện việc từ chối nhận hàng với lý do nhầm lẫn, hoặc xin tái xuất, điều chỉnh người nhận hàng trên manifest… Khi cơ quan Hải quan xác minh thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến lô hàng phục vụ cho công tác xử lý, một số hãng tàu cũng không thuận tình hợp tác. “Đây thực sự là khó khăn lớn nhất, cản trở việc xử lý vi phạm của cơ quan Hải quan. Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, lô hàng có trị giá lớn đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, nhưng chưa thực hiện được vì thiếu chủ sở hữu vi phạm”- ông Võ Thế Hưng, Tổ trưởng Tổ Kiểm soát Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết.
Chưa nhổ được tận gốc
Không chỉ có hàng chục container hàng cấm bị phát hiện nêu trên khó xử lý, trong thời gian qua, hàng chục, thậm chí hàng trăm container hàng lậu, hàng cấm bị cơ quan Hải quan chặn bắt tại cửa khẩu cảng Sài Gòn đều chưa xử lý được với lý do chưa xác định được chủ thể vi phạm. Các vụ vi phạm bị phát hiện, bắt giữ mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện, ngăn chặn tránh thẩm lậu vào thị trường nội địa, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, còn việc xử lý vi phạm, xử lý đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhập khẩu các lô hàng cấm này vẫn chưa thực hiện được. Hiện nay, gần 200 container hàng cấm do Cục Hải quan TP.HCM phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ tại các cửa khẩu cảng Sài Gòn vào cuối năm 2015 vẫn chưa được xử lý, các đối tượng đứng tên nhận hàng phần nhiều là DN "ma", một số từ chối nhận hàng với lý do gửi nhầm (!?)…
Vậy ai là chủ đích thực, đứng sau những lô hàng nhập lậu nêu trên? Theo lãnh đạo Đội Kiểm soát Hải quan-Cục Hải quan TP.HCM, sau khi phát hiện, bắt giữ các lô hàng cấm, để truy tìm những chủ hàng đích thực, cơ quan Hải quan đã lặn lội đến các địa chỉ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của giám đốc DN phối hợp với công an, chính quyền địa phương để truy tìm, nhưng kết quả đều là con số không: DN không hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh; giám đốc DN không cư trú tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, hoặc không hay biết gì đến hoạt động của DN do mình đứng tên làm giám đốc…
Phân tích của Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan TP.HCM cho thấy, việc các đối tượng sử dụng DN mới thành lập, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh để thực hiện việc đứng tên mở tờ khai hải quan nhập khẩu hàng cấm là có sự chuẩn bị, sắp xếp rất cặn kẽ. Các đối tượng thường thuê mướn giám đốc hoặc sử dụng chứng minh nhân dân nhặt được của người khác, chứng minh nhân dân giả để thành lập DN. Có đối tượng thành lập tới vài DN chỉ để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm… rất khó khăn cho cơ quan Hải quan khi xử lý các vụ bắt giữ hàng hóa vi phạm. Hiện Hải quan TP.HCM vẫn đang phối hợp với cơ quan Công an truy tìm các chủ DN này.
Từ thực tế trên, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước rà soát lại các quy định về thủ tục thành lập DN để quản lý tốt các DN tuân thủ các quy định của Nhà nước và ngăn chặn các DN "ma" lợi dụng để buôn lậu, trốn thuế; Bổ sung các quy định, cơ sở pháp lý để ràng buộc trách nhiệm, xử lý DN và người đại diện pháp luật của DN có hành vi vi phạm pháp luật…