Theo số liệu thống kê công bố chiều 23/12, số người thiệt mạng là 222 người trong khi hơn 800 người khác bị thương.
Người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho xác nhận ít nhất 222 người thiệt mạng, 843 người bị thương và 28 người vẫn đang mất tích.
Quan chức này cho biết con số này có thể sẽ tiếp tục tăng vì công tác cứu hộ vẫn đang diễn ra, nhiều trung tâm y tế vẫn chưa có báo cáo cụ thể trong khi dữ liệu từ các địa điểm chịu ảnh hưởng vẫn đang tiếp tục được cập nhật. Hàng trăm nhà cửa và nhiều công trình đã bị phá hủy trong thảm họa này.
Nhà chức trách đã yêu cầu hàng nghìn người sơ tán tới những địa điểm cao hơn. Cư dân địa phương cho biết họ không hề cảm nhận hay nhìn thấy bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy sóng thần đang ập tới với cột sóng cao khoảng 2-3m.
Theo Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), vụ sóng thần này xảy ra vào 21 giờ 30 phút tối 22/12, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu vực như Eo biển Sunda, gồm các bãi biển tại Pandeglang, Serang và South Lampung.
Theo BMKG, việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào 30 phút trước đó đã gây ra một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao bất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này.
Anak Krakatoa là một trong số 127 núi lửa đang hoạt động tại Indonesia, vốn hình thành từ đại dương khoảng nửa thế kỷ trước sau khi xảy ra vụ núi lửa Krakatoa phun trào hồi năm 1883.
Vụ phun trào này đã gây ra đợt sóng thần thảm khốc, cướp đi sinh mạng của 36.000 người. Đợt phun trào mới nhất lcũng tạo ra cột khói cao 500m.
Hiện cảnh sát đang hỗ trợ các nạn nhân tại Tanjung Lesung ở tỉnh Banten, vốn được biết là địa điểm du lịch nổi tiếng cách không xa thủ đô Jakarta trong bối cảnh lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận đến khu vực này.