Dù địa phương đã đầu tư hơn trăm triệu đồng để cải tạo dòng kênh Xóm Rẫy,ẫynhiễmnặnữ chelsea thuộc khu vực 1, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, nhưng do ý thức kém của một số hộ dân nơi đây đã khiến cho dòng kênh này bị ô nhiễm nặng thêm.
Hàng ngày, dòng kênh Xóm Rẫy gánh chịu một lượng lớn rác thải sinh hoạt từ các hộ dân thiếu ý thức.
Đến khu vực 1, phường Hiệp Thành, hình ảnh những đống rác ngổn ngang nằm dọc bờ kênh Xóm Rẫy khiến nhiều người ngán ngẩm. Trong khi nước dưới dòng kênh thì đen ngòm, với rác thải nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối. Bà Tạ Thị Bé, ở tổ 3, khu vực 1, phường Hiệp Thành, bức xúc: “Thì mạnh ai nấy đổ xuống hỏi sao rác không nhiều như vậy. Đó là chưa kể một số hộ chăn nuôi gia súc cứ ngang nhiên cho nước thải tuồn ra dòng kênh. Những lúc nước lớn còn đỡ, chứ nước kém nhiều khi gió phất lên là chịu không nổi. Người lớn cố chịu được, tội nhất là mấy đứa nhỏ”.
Còn bà Nguyễn Thị Dung, ở tổ 3, khu vực 1, phường Hiệp Thành, ngán ngẩm: “Kênh này là kênh thoát nước thải sinh hoạt của các hộ dân nên nước có màu đen như thế. Do tuyến kênh không còn sử dụng, từ đó nhiều người dân thiếu ý thức đã vô tư vứt rác xuống dòng kênh nên mới gây nên tình trạng ô nhiễm nặng. Thế mà rác ở một số nơi khác lại cứ theo dòng nước rồi tấp vào, nhưng chẳng thấy người vứt thì mình đâu thể nào nói được. Vì thế, hễ thấy rác trôi qua là tôi cứ vớt, giúp thông dòng chảy, giảm bớt ô nhiễm đỡ được phần nào hay phần đó”.
Thật khó thống kê được có bao nhiêu lượng rác thải sinh hoạt hữu cơ và vô cơ đã vứt xuống dòng kênh này mỗi ngày, nhưng với mức độ dày đặc của rác đã phần nào cho thấy tình trạng ô nhiễm đang ở mức cao. Theo ông Trần Văn Bé Năm, ở tổ 5, khu vực 1, phường Hiệp Thành, hồi những năm 70, tuyến kênh này ghe 2 tấn còn có thể vào được. Về sau, do không còn phục vụ sinh hoạt, người dân tự lấn chiếm đất kênh xây cất nhà cửa, rồi rác cứ vô tư quăng xuống, lâu ngày làm cho dòng kênh ô nhiễm nặng, nước bốc mùi hôi thối.
“Có chỗ bồi lắng đến nỗi chẳng còn dòng chảy nên rác không thoát được. Thấy kênh nhiều rác, nước chảy chưa thông, nên tôi xuống vớt để khơi dòng. Tuy nhiên, không biết bỏ nơi đâu nên cứ cho tấp vào bên cạnh nhà. Có thể nói, rác ở đây nhiều vô tận, một khi mình vớt chỗ này thì có những người vô ý thức lại quăng rác xuống chỗ khác, rồi nó cứ trôi đến đây. Chưa kể là thời gian qua, mặc dù địa phương đã khơi thông nhưng lượng rác tồn lưu trên kênh vẫn không hề nhỏ. Dẫn đến tình trạng rác thải trôi nổi hoặc tụ lại thành từng mảng lớn bám dọc bờ kênh”, ông Năm lý giải.
Ông Nguyễn Công Hành, Trưởng ban Mặt trận khu vực 1, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Dù ở tuyến này được bố trí xe thu gom rác, nhưng do ý thức của một số hộ dân còn kém đã khiến con kênh bị ô nhiễm. Đáng nói là chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không xả rác xuống dòng kênh, song vẫn còn một bộ phận người dân không chấp hành đóng tiền rác và lén lút đổ rác xuống kênh. Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi gia súc vô tư xả chất thải thẳng xuống kênh. Các trường hợp này đã bị nhắc nhở nhiều lần, nhưng do nuôi với quy mô nhỏ lẻ nên rất khó xử lý”.
Ông Phạm Hoài Bạch, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, cho biết: Mới đây, phường đã kết hợp với các phòng chức năng của thị xã tiến hành khảo sát lại hiện trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực này. Qua đó, đề xuất 2 phương án xử lý. Cụ thể, phương án 1 là vận động bà con thu gom rác, trả lại phần đất lấn chiếm về hiện trạng ban đầu. Thế nhưng, do các hộ dân này đã sinh sống ở đây rất lâu, có những hộ xây dựng nhà khá kiên cố nên rất khó thực hiện. Còn phương án 2 là cho người dân khai thác luôn phần đất chiếm, nhưng buộc họ phải đóng tiền sử dụng đất, phía địa phương sẽ lên thiết kế thi công lắp đặt hệ thống cống.
“Trong thời gian lựa chọn phương án tối ưu nhất thì trước mắt, địa phương cố gắng giữ vững hiện trạng, không cho phát sinh mới. Trường hợp phát sinh mới, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo quy định. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức trong việc xử lý rác thải; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hệ thống thu gom rác thải cho các hộ dân, nhất là xử lý nghiêm đối với các trường hợp lấn chiếm ra dòng kênh”, ông Bạch khẳng định.
Kênh Xóm Rẫy đi qua địa bàn có mật độ dân cư khá đông đúc thuộc tổ 3 và tổ 5, khu vực 1, phường Hiệp Thành, với khoảng 50 hộ dân sinh sống. Mặc dù năm 2012, địa phương đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo tình trạng ô nhiễm, nhưng đến nay, dòng kênh đang bị “bức tử” trở lại. |
Bài, ảnh: THANH THÚY