Một trong những đặc thù của doanh nghiệp nhà nước là vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng.Tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước là hạt nhân chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh.
Đảng bộ vững mạnh là nền tảng cho mọi thành công
Cùng với sự ra đời và đi vào hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từ năm 2005, Đảng ủy SCIC đã nhanh chóng thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của SCIC. Xác định rõ Đảng bộ vững mạnh là nền tảng cho mọi thành công, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ủy SCIC thực hiện nghiêm túc, toàn diện và đạt kết quả tốt trên các mặt công tác: giáo dục chính trị, tư tưởng; tổ chức, bộ máy, cán bộ; kiểm tra, giám sát; dân vận và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội của SCIC, công tác văn phòng cấp ủy.
Qua 15 năm hình thành và phát triển, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.075 doanh nghiệp, với tổng giá trị vốn nhà nước (theo vốn điều lệ) hơn 30.275 tỷ đồng, trong đó có 24 tổng công ty và tập đoàn, 34 công ty trách nhiệm hữu hạn một, hai thành viên, trong đó có một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn: Vinamilk, Vinatex, Seaprodex, Licogi,…
|
Ngay sau khi tiếp nhận vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, SCIC đã tiến hành phân loại doanh nghiệp thành các nhóm; kiện toàn hệ thống Người đại diện; củng cố Hội đồng Quản trị, Ban điều hành, Ban Kiểm soát; tách chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Tổng Giám đốc/Giám đốc; cử cán bộ SCIC tham gia đại diện vốn nhà nước, kiêm nhiệm thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát tại một số doanh nghiệp lớn, phức tạp...
Thông qua vai trò cổ đông năng động, SCIC đã chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu, xử lý các tồn tại tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động, điển hình như: Vinaconex, Thương mại Tràng Tiền, Viettracimex, Công ty HPI, Constrexim...
Những biến động thị trường cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi người đại diện vốn nhà nước, đồng thời cũng là những nhà quản trị doanh nghiệp phải có những thích ứng linh hoạt, kịp thời. Trong những tháng đầu năm 2020, cả thế giới đối mặt với dịch Covid-19. Nền kinh tế tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng và Việt Nam cũng không là ngoại lệ, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó có SCIC và các doanh nghiệp có vốn của SCIC.
Ngay trong thời gian đầu của dịch bệnh, Đảng ủy và Ban Lãnh đạo SCIC đã có những giải pháp trong việc phòng, chống dịch Covid-19: yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng; sử dụng hệ thống công nghệ thông tin trong hội họp, làm việc; hạn chế cử cán bộ đi công tác và dừng các chuyến công tác nước ngoài; xây dựng các kịch bản ứng phó với mọi tình hình diễn biến của dịch bệnh giúp hoạt động của SCIC diễn ra liên tục và bình thường, đồng hành cùng với doanh nghiệp có vốn của SCIC biến “nguy thành cơ” vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 gây ra.
Thành quả đạt được
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy SCIC đã nỗ lực chủ động và sáng tạo trong quá trình hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao: nhiệm vụ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn được triển khai theo đúng quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn 2015 - 2019 các chỉ tiêu tài chính lớn đều tăng trưởng ở mức khá, vốn chủ sở hữu tăng trưởng bình quân 11%/năm; tổng tài sản tăng trưởng bình quân 12%/năm; nộp NSNN tăng trưởng trung bình 16,3%/năm; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) tăng bình quân đạt 29%/năm; tỷ suất lợi nhuận/Tổng tài sản (ROA) tăng bình quân 28%/năm.
Với những nỗ lực của SCIC, đa số các doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận bàn giao đều có kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn so với trước khi nhận bàn giao về Tổng công ty. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của các doanh nghiệp trong danh mục của SCIC đạt 19% - cao hơn đáng kể so với mức bình quân chung của các DNNN.
Tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước giai đoạn 2006 - 2019 của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC đạt 38.813 tỷ đồng. Đến 31/12/2019, danh mục doanh nghiệp của SCIC còn 148 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước hơn 39.000 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 120.000 tỷ đồng.
Hướng tới tương lai
15 năm chưa phải là chặng đường dài, tạo lập được nền tảng bền vững song SCIC còn nhiều thách thức phải vượt qua. Trong giai đoạn tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai tiếp nhận, quản trị và cổ phần hóa, bán vốn trong điều kiện danh mục doanh nghiệp chuyển giao giảm dần cả về số lượng và giá trị, SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, hướng tới mục tiêu trở thành “nhà đầu tư của Chính phủ”.
Với sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó, Đảng ủy SCIC xác định tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt vai trò là một cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; đẩy mạnh tiến độ triển khai cổ phần hóa và bán vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, nhằm góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại DNNN; đầu tư kinh doanh vốn hiệu quả theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật; tập trung nguồn lực vào những ngành, lĩnh vực, dự án mang hiệu quả kinh tế và một số ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm mà Nhà nước cần tập trung đầu tư, nắm giữ chi phối và mang tính dẫn dắt của nền kinh tế; hướng tới mục tiêu trở thành tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp và hàng đầu của Chính phủ.
Đã giải ngân đầu tư hơn 28,4 nghìn tỷ đồng Hoạt động đầu tư của SCIC đã được triển khai từng bước, đảm bảo định hướng của Chính phủ và tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Tính đến nay tổng giá trị giải ngân cho hoạt động đầu tư của SCIC đạt 28.451 tỷ đồng. Trong đó các khoản đầu tư đạt hiệu quả tốt có thể kể đến như đầu tư vào Ngân hàng TMCP Quân đội; CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam; Công ty hạ tầng và Bất động sản Việt Nam VIID... |
Kim Thúy