【lịch inter minami】Cần minh bạch, hạn chế chỉ định thầu trong dự án đầu tư BT
Nhiều tích cực từ nguồn vốn tư nhân
Báo cáo tại hội nghị, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển từ nguồn vốn trong xã hội, thành phố đã có nhiều mô hình và các chính sách thu hút, nhằm tạo sức hấp dẫn đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính, ưu tiên các nguồn vốn ngân sách cho phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố.
Đến nay, thành phố có tổng cộng 22 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã hoàn tất ký kết hợp đồng dự án và triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 69.869 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các dự án có chủ trương cho nghiên cứu đang triển khai thực hiện công tác đầu tư gồm 133 dự án với tổng mức đầu tư là 395.847 tỷ đồng. Trong đó, hình thức Hợp đồng BT là 94 dự án, hình thức xây dựng vận hàng chuyển giao (BOT) và xây dựng chuyển giao kinh doanh (BTO) là 21 dự án; hình thức hợp đồng xây dựng thuê dịch vụ chuyển giao (BTL) và xây dựng chuyển giao thuê dịch vụ (BLT) có 8 dự án… Tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông vận tải, môi trường, chỉnh trang phát triển đô thị; thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế…
Qua thực tế triển khai, việc huy động các nguồn vốn trong xã hội cho đầu tư phát triển đã giúp thành phố đã hoàn thành những công trình cơ sở hạ tầng giao thông đầu mối quan trọng như: Cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, đường Phạm Văn Đồng… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thành phố.
Hạn chế chỉ định nhà thầu
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, bên cạnh mặt tích cực, hiện việc triển khai thực hiện cũng như kêu gọi các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư – hợp đồng BT đang bộc lộ những hạn chế cần khắc phục.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng việc chỉ định các nhà thầu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình, và có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, lợi ích xã hội. Bởi nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng.
Ngoài ra, việc chỉ định thầu đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư được hưởng lợi 2 lần. Cụ thể, khi nhận dự án, dự toán công trình là do nhà thầu đề xuất. Ngoài ra, các khu đất đắc địa cũng do nhà thầu đề xuất để thanh toán công trình.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình MPP (Thạc sĩ chuyên ngành Chính sách công) – Đại học Fulbright Việt Nam, nhà đầu tư thường được lựa chọn theo phương thức chỉ định thầu chứ không qua đấu thầu công khai. Trong khi đó, các nhà đầu tư lại có khuynh hướng dựa dẫm quá nhiều vào tiền vay ngân hàng do năng lực tài chính không đảm bảo. Khi lãi suất ngân hàng biến động, lập tức tiến độ dự án bị ảnh hưởng, tính rủi ro tăng lên.
Theo đó, các đại biểu kiến nghị nên thực hiện phổ biến hình thức đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư; làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.
Ngoài ra, TP.HCM cần phải có cách thức mới trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng: "Nên hạn chế hình thức "hàng đổi hàng", đừng đổi đất lấy hạ tầng nữa. Thay vào đó, hãy bán đấu giá độc lập quyền sử dụng đất rồi lấy tiền thanh toán hợp đồng BT theo tiến độ"- Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đề xuất.