Lãi hay lỗ?
Ngày 8/3, trong cuộc họp báo chuyên đề về quản lý, sử dụng xe công, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã đưa ra con số thống kê, trong thời gian qua, các cơ quan Nhà nước thanh lý 761 xe công thu về 35,15 tỷ đồng.
Chiều nay, 13/3, phản hồi lại các ý kiến khác nhau về con số này, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo báo chí giải thích thêm. Trong đó cho biết: Căn cứ báo cáo của các bộ, ngành và các địa phương về kết quả xử lý xe ô tô dôi dư bằng hình thức thanh lý, kết hợp với thông tin thanh lý xe ô tô tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (do các bộ, ngành, địa phương nhập từ ngày 1/1/2016 đến ngày 6/3/2017), Bộ Tài chính đã tổng hợp được 761 xe ô tô mà các bộ, ngành và địa phương báo cáo đã thanh lý, tổng số tiền thu được là 35,15 tỷ đồng.
Thông qua việc rà soát báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính thống kê trong số xe đã thanh lý có 90 xe báo cáo đã thanh lý nhưng chưa có thông tin báo cáo số tiền thu được về Bộ Tài chính; 17 xe báo cáo đã thanh lý theo hình thức phá dỡ, chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ô tô, thiết bị dạy nghề, không thu được tiền và 183 xe đã quá cũ, lạc hậu với tổng số tiền thu được là 5,4 tỷ đồng.
Vì vậy, việc chia bình quân số xe thanh lý/tiền thu được ra kết quả 46,2 triệu đồng/xe mới chỉ là thông tin ban đầu, chưa phản ánh đầy đủ việc thanh lý tài sản là xe ô tô công. Hiện tại, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục nhận báo cáo của các bộ, ngành và địa phương về kết quả xử lý xe ô tô để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Câu chuyện này có thể liên tưởng đến thông tin “thanh lý 264 xe ô tô phục vụ công tác với tổng nguyên giá 79,68 tỷ đồng; giá trị còn lại 390 triệu đồng”cũng tức là giá trị mỗi chiếc xe công trên sổ sách chỉ còn hơn 1 triệu đồng, đã từng gây “bão” trên mặt báo vào thời điểm cuối tháng 6/2016.
Trao đổi với Báo Hải quan, ông La Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết: Để hiểu đúng về những con số này, cần phải phân biệt rõ hai khái niệm “giá trị còn lại” và “số tiền thu về”.
Chiều nay, 13/3, phản hồi lại các ý kiến khác nhau về con số này, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo báo chí giải thích thêm. Trong đó cho biết: Căn cứ báo cáo của các bộ, ngành và các địa phương về kết quả xử lý xe ô tô dôi dư bằng hình thức thanh lý, kết hợp với thông tin thanh lý xe ô tô tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (do các bộ, ngành, địa phương nhập từ ngày 1/1/2016 đến ngày 6/3/2017), Bộ Tài chính đã tổng hợp được 761 xe ô tô mà các bộ, ngành và địa phương báo cáo đã thanh lý, tổng số tiền thu được là 35,15 tỷ đồng. |
Như vậy, với những chiếc xe công có giá trị còn lại trên sổ sách rất thấp mà nếu thực sự bán được với giá bình quân 46,2 triệu đồng/chiếc vẫn có thể nói là “lãi” chứ không hề “rẻ mạt” như dư luận đang xôn xao.
Trách nhiệm thanh lý thuộc về đơn vị sử dụng
Cũng từ quan điểm giá bán thanh lý xe “quá rẻ” so với nguyên giá dẫn đến những hoài nghi, băn khoăn đối với Bộ Tài chính trong việc thanh lý xe ô tô công cũ.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thanh lý xe ô tô công nói riêng và tài sản công nói chung đang được thực hiện khá nghiêm túc theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Trong đó, thẩm quyền thanh lý tài sản đủ điều kiện thuộc Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương, không phải là Bộ Tài chính. Sau khi các cấp này ban hành Quyết định thanh lý tài sản, cơ quan quản lý tài sản đưa ra đấu giá công khai theo quy định của pháp luật.
Trước khi bán đấu giá, cơ quan này căn cứ vào hạch toán kế toán để xác định giá trị của tài sản rồi mới đưa ra đấu giá. Tất cả mọi người đều có quyền tham gia mua các tài sản này. Quy trình đấu giá, từ đăng thông báo công bố đến tổ chức đấu giá cũng đều được quy định rõ.
Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Theo Luật, cơ quan quản lý công sản hiện nay thực hiện nhiệm vụ của mình là giám sát điều kiện thanh lý khi Quyết định thanh lý được đưa ra. Thực tế, từ năm 2010, Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, giám sát. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương chỉ cần cập nhật online vào Cơ sở dữ liệu trên mạng sau 30 ngày kể từ ngày có biến động tài sản (mua về hoặc bán đi). Cơ sở dữ liệu do Bộ Tài chính quản lý này chính là thông tin trên sổ kế toán của các đơn vị cũng như của cả quốc gia.
Trường hợp việc thanh lý tài sản thực hiện theo hình thức bán đấu giá thì cơ quan, tổ chức, đơn vị được Bộ, ngành, địa phương giao nhiệm vụ phải thực hiện bán công khai, minh bạch theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Sau khi hoàn thành việc thanh lý các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, báo cáo về Bộ Tài chính.
Hay nói một cách dễ hiểu, Bộ Tài chính chỉ thực hiện trách nhiệm tổng hợp số liệu từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc giám sát điều kiện thanh lý.