Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung |
Nhìn vào số liệu kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, có thể thấy bức tranh kinh tế có nhiều gam sáng, tối đan xen, song gam màu tối chiếm nhiều hơn màu sáng.
Điều này được thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm, chủ yếu do thiếu đơn hàng sản xuất. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2023 ước giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%) do đơn hàng sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn.
Đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng lớn Năm 2023 là điểm rơi của đầu tư công trung hạn và giải ngân thực hiện gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đây là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu nền kinh tế. Mặc dù việc giải ngân vốn đầu tư công chưa có cải thiện đáng kể nhưng chắc chắn sẽ là một động lực tăng trưởng lớn trong các quý tiếp theo. Cùng với đó, kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cho thấy các doanh nghiệp dự báo quý III/2023 khả quan hơn quý II/2023. Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực cho tăng trưởng các tháng cuối năm. |
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều mặt hàng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%; thủy sản giảm 27,4%; xơ, sợi dệt các loại giảm 26,2%; điện thoại và linh kiện giảm 17,9%; dệt may giảm 15,3%; giày, dép giảm 15,2%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 9,3%... Kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường lớn giảm: Hoa Kỳ giảm 22,6%; Hàn Quốc giảm 10,2%; EU giảm 10,1%; ASEAN giảm 8,7%; Nhật Bản giảm 3,3%; Trung Quốc giảm 2,2%.
Trong khi đó, doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp và dòng vốn sản xuất sụt giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 28,9%; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 19,4%.
Nếu tính cả 958,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 25,2 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 là 1.666,1 nghìn tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/6/2023 giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm là 2,93 tỷ USD, giảm 57,1% cho thấy khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài chưa thể tăng đầu tư vào các dự án hiện hữu tại Việt Nam.
Giá dịch vụ, cước vận tải, chi phí logistic... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,06%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 5,42%, trong đó chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 11,24%.
Tuy vậy, số liệu vài tháng gần đây cũng chỉ ra một số tín hiệu khả quan hơn. Đó là hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 5 và tháng 6 đang dần cải thiện, phần lớn các doanh nghiệp đánh giá xu hướng tăng trưởng và ổn định trở lại. Tăng trưởng kinh tế trong quý II/2023 đạt 4,14%, cao hơn 0,86 điểm phần trăm so với mức tăng 3,28% của quý I.
Trong đó, khu vực công nghiệp đã có chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng 1,56% (quý I giảm 0,75%); ngành xây dựng tăng cao (7,05%), cao hơn mức tăng 4,94% của cùng kỳ năm trước. Điểm sáng nhất vẫn là khu vực dịch vụ với mức tăng 6,11%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng ổn định 3,25% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 3,72%. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, khu vực dịch vụ tăng 6,33% vẫn là nhân tố chủ lực đóng góp vào tốc độ tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế với mức đóng góp lần lượt 0,36 điểm phần trăm và 3,04 điểm phần trăm. Khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm từ quý I, đạt 1,13%. Đây là những tín hiệu lạc quan hơn cho triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm.
Trước tình hình này, Tổng cục Thống kê đánh giá để đạt được tăng trưởng tích cực trong năm 2023 là thách thức rất lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự chung sức, đồng lòng để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân. Các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với mọi tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê): Đầu tư nước ngoài giảm, thể hiện khó khăn của kinh tế thế giới
Tính đến 20/6/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2022. Mức sụt giảm này đã thể hiện rõ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam. Trên thực tế, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại mặc dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, do ảnh hưởng từ một số yếu tố cơ bản như: bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; áp lực giá cả và lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; nhu cầu hàng hóa toàn cầu có xu hướng giảm; rủi ro của hệ thống ngân hàng; đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục hoàn toàn... Những yếu tố này đang gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2022 và tiếp tục sang 2023, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam, tác động làm giảm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 6 tháng năm 2023. Mặc dù vậy, mức giảm 4,3% đã được cải thiện so với cùng kỳ 2022 giảm 8,1% và khi phân tích chi tiết đã cho thấy tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài. |
Ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê): Kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn là điểm sáng khi tổng cầu suy giảm
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước đạt 316,7 tỷ USD, giảm 15,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh là tăng trưởng của 6 tháng 2 năm trước đều đạt rất cao (năm 2022 tăng 17%; năm 2021 tăng 33,1%). Nếu so sánh về quy mô thì 6 tháng năm 2023 đạt tương đương với quy mô của 6 tháng năm 2021 (tổng kim ngạch bằng 99,3%, trong đó xuất khẩu hàng hóa bằng 103,7%, nhập khẩu hàng hóa bằng 94,9%). Theo báo cáo của Tradingeconomics cập nhật đến tháng 4/2023 cho 16 nền kinh tế lớn trên thế giới, thì có đến 13/16 quốc gia (chiếm 81,3%) có tốc độ sụt giảm xuất khẩu; 12/16 quốc gia (chiếm 75%) cũng có tốc độ sụt giảm nhập khẩu trong tháng 4. Do vậy, kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Đồng thời cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc là thị trường có thương mại 2 chiều lớn nhất với Việt Nam đã thật sự mở cửa nền kinh tế cũng sẽ là yếu tố tích cực cho xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là đối với những nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản. |
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê): Giảm thuế là đòn bẩy hữu hiệu kích cầu nội địa
Việc Quốc hội cho phép giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% kể từ ngày 1/7/2023 cho đến hết năm là một trong những đòn bẩy rất hữu hiệu kích cầu nội địa, cả cầu tiêu dùng lẫn cầu đầu tư. Vì vậy, phải đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm... Thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khai thác triệt để du lịch bằng các chính sách, sản phẩm du lịch mới, chương trình du lịch kịp thời, hiệu quả, bền vững nhằm phát triển du lịch và thúc đẩy các ngành kinh tế liên quan tăng trưởng. Tiêu dùng nội địa, cả tiêu dùng hàng hóa cuối cùng lẫn nguyên, nhiên vật liệu, là đầu vào cho sản xuất hàng tiêu dùng chỉ có thể thực hiện được khi ngành điện đảm bảo nguồn cung điện ổn định, đáp ứng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hộ cá thể và nhu cầu tiêu dùng của dân cư trong mùa cao điểm nắng nóng. Ngay trong thời điểm khó khăn như hiện nay, ngành điện phải tái cơ cấu hợp lý nguồn điện, đảm bảo sử dụng hiệu quả và tăng trưởng bền vững. |
Nhóm phóng viên(thực hiện)