Không phải đến bây giờ,i chc1 ket qua mà đã từ lâu dư luận xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố và trong đó có Bình Phước rất bất bình trước tình trạng nhiều hộ nuôi chó nhưng không xích, mà để chó thả rông, không rọ mõm chạy ra đường. Thực tế đã có không ít trường hợp bị tai nạn dẫn đến cái chết oan vì tránh chó chạy trên đường hoặc đang điều khiển xe máy thì bị chó tông và gây tai nạn. Không những thế, chó thả rông còn phóng uế bừa bãi ở những nơi công cộng gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, mặc dù chính quyền cơ sở đã thông báo nhiều lần, nhưng tình trạng vi phạm vẫn không giảm.
Nuôi chó thả rông - mối nguy cơ gây tai nạn cho người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông. Trong ảnh: Chó được thả rông ở ấp 2, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) - Ảnh: S.H
Hiện nay, pháp luật không có quy định nào về việc cấm nuôi chó kể cả việc nuôi chó ở nhà chung cư. Tuy nhiên, người nuôi chó phải trông giữ, nuôi nhốt cẩn thận để tránh trường hợp chó tấn công người (đặc biệt trường hợp chó đã mắc bệnh dại), ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Và pháp luật đã quy định khá cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nuôi chó. Cụ thể, tại Điều 4, Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4-8-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật thì người nuôi chó có các trách nhiệm sau đây:
Tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với trưởng thôn, trưởng ấp hoặc tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình UBND xã, phường cấp sổ quản lý chó (sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, tính biệt, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc-xin, số lô). Phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y. Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng. Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng nuôi.
Cao hơn nữa, Điều 603 Bộ luật Dân sự có quy định rất rõ ràng về việc người nuôi chó vi phạm một trong các quy định nêu trên thì có thể bị xử lý như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác... Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại... Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội...Và nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện người chủ vật nuôi ra tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp người nuôi chó có hành vi thả rông chó ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không có rọ mõm thì theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ thì người nuôi chó có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác thì bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.
Đồng thời, tại Điểm C, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:... Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng. Tại Điểm e, Khoản 2, Điều 5 của nghị định trên quy định về mức phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:...Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác;... Đặc biệt, từ ngày 15-9-2017, ngày Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực thi hành, thì: Mức phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Như vậy, việc nuôi nhốt động vật (không thuộc danh mục thú quý hiếm) không bị pháp luật ngăn cấm, nhưng việc nuôi động vật trong nhà phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, nếu không thì người nuôi sẽ phải lãnh những hệ lụy từ thói quen thả rông động vật nuôi.
N.V