Khởi động Chương trình hộ chiếu logsitics thế giới tại Việt Nam | |
Xây dựng Hải Phòng thành trung tâm logistics tầm cỡ | |
Tận dụng lợi ích từ chương trình Hộ chiếu logistics thế giới tại Việt Nam | |
Dịch vụ Logistics cho doanh nghiệp FDI tại miền Trung | |
Nhiều giải pháp giảm chí phí logistics |
Ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Công ty Fusa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: T.Bình. |
Bài học đáng nhớ
Tại Hội nghị đối thoại “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu khu vực 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và UBND 4 tỉnh, thành phố, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (tổ chức ngày 2/3 tại Hải Dương), ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa (Hải Dương) chia sẻ bài học đáng nhớ về sự “trần ai” của doanh nghiệp trong xuất khẩu hàng nông sản.
Ông Phạm Ngọc Thức điểm lại: ngày 20/11/2022, Công ty thu mua quả bưởi đỏ từ tỉnh Hòa Bình để xuất khẩu sang châu Âu (doanh nghiệp đầu tiên được xuất khẩu mặt hàng này sang châu Âu). Quá trình xuất khẩu lô hàng này là một bài học đáng nhớ với doanh nghiệp.
Ngày 24/12/2022, doanh nghiệp xếp hàng lên container tại Hòa Bình. Tiếp đó, xe di chuyển từ Hòa Bình xuống khu vực cảng Hải Phòng hết 3 ngày. Tuy nhiên, phải đến tận ngày 3/2/2023 lô hàng mới tới được London (Anh).
“Lúc đầu, chúng tôi ký kết với doanh nghiệp logistics sau 45 ngày sẽ đưa hàng từ Việt Nam đến Anh. Nhưng thực tế để đưa container 5.000 quả bưởi này sang đến London phải mất gần 70 ngày. Bình thương chắc phải đổ bỏ vì hư hỏng, nhưng may mắn doanh nghiệp được các cơ quan chức năng của Việt Nam hỗ trợ tối đa trong khâu bảo quản nên còn cứu vãn được. Ở Việt Nam, các thủ tục xuất khẩu lô hàng được thực hiện nhanh chóng. Nhưng, lý do vận chuyển hàng của Việt Nam chậm do logistics còn quá nhiều điểm yếu. Trong khi từ Thái Lan hàng đưa sang châu Âu chưa đến 40 ngày, hoa quả tươi roi rói”, ông Phạm Ngọc Thức nói.
Ngoài ra, quá trình hoạt động doanh nghiệp nông nghiệp còn đối mặt nhiều thách thức như khó tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi; kiểm tra chuyên ngành còn nhiêu khê; thiếu cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm…
Giám đốc doanh nghiệp nông nghiệp này cho rằng: về lâu dài, cần phải có những giải phải đột phá để cải thiện vấn đề này để việc xuất khẩu nông sản được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo chất lượng.
60 tỷ USD cho chi phí logistics
Thực tế, logistics đang là một điểm nghẽn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Bởi không chỉ mất nhiều thời gian mà còn tốn kém nhiều chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, xã hội.
Theo TS Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), chi phí logistics ở Việt Nam khoảng 17,8% GDP (trong khi nhiều nước trên thế giới con số này dưới 10%-PV), tương đương khoảng 60 tỷ USD. Trong chi phí logistics, chi phí vận tải chiếm khoảng 36 đến 40 tỷ USD. Do đó, việc cắt giảm chi phí trong các khâu của hoạt động logistics, trong đó có vận tải hàng hóa là rất cần thiết.
“Để xử lý vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải đang tính toán và triển khai các quy hoạch để phục vụ việc kết nổi (giao thông) một cách tốt nhất cho phát triển logistics”, ông Phạm Hoài Chung thông tin. Trong đó có việc xây dựng hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía đông để kết nối vào hệ thống “hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (bao gồm hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ) với Trung Quốc và các nước ASEAN… góp phần thúc đẩy tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu”, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải nhấn mạnh.
Ngoài ra, đối với 4 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên), các điểm nghẽn cần giải quyết như: kết nối giao thông đường bộ với cảng biển còn hạn chế; hay ở khu vực cảng Hải Phòng thiếu các bến cảng khởi động để giảm ùn tắc cho khu vực cảng Tân Vũ, Lạch Huyện…