Tại huyện Đầm Dơi, từ đầu năm đến nay, trên toàn huyện ghi nhận 18 ca mắc SXH, trong đó có 2 trường hợp SXH cấp độ 3 và không có ca tử vong. Tuy số ca mắc hiện tại giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021, song tình hình SXH vẫn diễn biến phức tạp, nhiều khả năng dịch bùng phát trên diện rộng do thời tiết bất thường, thói quen trữ nước tại các vật chứa nước trong và xung quanh nhà, nhất là mùa mưa đang đến, thuận lợi cho muỗi vằn phát triển.
Để chủ động tiêu diệt mầm bệnh, ngành y tế huyện Đầm Dơi đã chỉ đạo diệt muỗi, diệt lăng quăng góp phần kéo giảm chỉ số BI (Breteau index, là chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn) xuống mức thấp.
Bác sĩ CKII Trần Bé Đoan, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đầm Dơi, cho biết: “Từ tháng 6-8, chúng tôi sẽ ra quân chiến dịch diệt lăng quăng trong cộng đồng từ 3 vòng. Trong đó, tập trung tuyên truyền ở các trường học về kiến thức cơ bản phòng chống sốt xuất huyết để mỗi thầy cô giáo, học sinh sẽ trở thành một tuyên truyền viên đến từng hộ gia đình, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống SXH”.
Các xã trên địa bàn huyện Đầm Dơi đẩy mạnh mô hình nuôi cá bảy màu để diệt lăng quăng. Không chỉ ở các trạm y tế, mô hình này còn được nhân rộng ở các trường học, các tổ tự quản, nhà các trưởng ấp, bí thư chi bộ để khi người dân ở các khu vực cần lượng cá sẽ kịp thời cung cấp. Điển hình như Trạm Y tế xã Tạ An Khương Đông, nhiều năm nay duy trì chăm sóc 3 hồ cá bảy màu để cung cấp cá giống cho bà con diệt lăng quăng.
Nhiều năm qua, Trạm Y tế xã Tạ An Khương Đông duy trì nuôi cá bảy màu để cung cấp cho người dân diệt lăng quăng. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Quân, Trưởng Trạm Y tế xã Tạ An Khương Đông, chia sẻ: “Vẫn như mọi năm, trạm y tế sẽ là điểm cung cấp cá giống cho bà con, bên cạnh việc tuyên truyền các biện pháp phòng tránh SXH, chúng tôi còn phải tăng cường kiểm tra 100% các dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Các hộ dân sẽ thả cá bảy màu vào các lu khạp không có nắp đậy, những dụng cụ chứa nước nào nhiều lăng quăng, chúng tôi sẽ nhắc nhở họ súc rửa. Điều đáng nói, bà con hiểu được nuôi cá để phòng bệnh nên tự giác thực hiện”.
Cá bảy màu sẽ được thả vào các dụng cụ chứa nước không có nắp đậy kín. |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, vấn đề được nhiều bậc phụ huynh lưu tâm là phân biệt giữa sốt do Covid-19 và SXH, bởi 2 loại bệnh lý đều có triệu chứng ban đầu giống nhau. Bác sĩ CKII Trần Bé Đoan phân tích: “Tuy triệu chứng ban đầu của 2 loại bệnh này giống nhau, nhưng lại có những đặc trưng riêng về yếu tố dịch tễ, cũng như phương thức lây nhiễm. Đối với SXH, trẻ sốt cao liên tục từ 2-7 ngày, khi dùng các loại thuốc hạ sốt thông thường người bệnh vẫn có thể sốt lặp lại. Còn sốt do Covid là biểu hiện của dạng sốt viêm đường hô hấp, người mắc bệnhcó triệu chứng lâm sàng là đau họng, đau cơ, mệt mỏi, ho, khó thở, chảy nước mũi. Do đó, phụ huynh cần phân biệt rõ, theo dõi sức khoẻ con em mình để điều trị kịp thời”./.
Hữu Nghĩa