Giảm lãi suất cho vay: Phải giảm thực chất | |
Có thể giảm 40% lợi nhuận: Ngân hàng vẫn đồng thuận giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp | |
Vận động các ngân hàng giảm lãi suất cho vay ngay trong tháng 7 |
Các ngân hàng đều đã cam kết giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh minh họa: BIDV |
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ với mong muốn hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp bằng cách giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023… Thậm chí, câu chuyện “hy hữu” gần đây là một doanh nghiệp thủy sản phía Nam đã gửi văn bản từ chối phần lãi suất được giảm của ngân hàng B.
Thống kê cho thấy, hiện có trên 10 ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, với mức giảm từ 0,5-2%, có ngân hàng đã giảm tới 3% so với lãi suất cho vay hiện hữu.
Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp và hiệp hội đã cho rằng, lãi suất cho vay hiện đã rất thấp, nhưng mức giảm 1-2% vẫn không đáng kể so với quy mô và dòng tiền đã mất của doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng, số lượng giảm như thế nào, có thực hiện theo cam kết không để có sự hỗ trợ thực chất nhất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo Phó Thống đốc, quan điểm của NHNN là dù ngân hàng cũng hoạt động kinh doanh như doanh nghiệp, nhưng lúc này, các ngân hàng nên đề cao trách nhiệm chia sẻ, cần "thắt lưng buộc bụng", tiết giảm chi phí, nhất là khi tình trạng dịch căng thẳng, nên việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, người dân là căn cơ và thiết thực.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, con số chi phí hỗ trợ thực tế tuỳ thuộc quy mô mỗi ngân hàng và từng đối tượng khách hàng.
NHNN thông tin, 16 tổ chức tín dụng đã thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, tuỳ quy mô ngân hàng. Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV còn cam kết thêm khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch Covid-19.
Bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng.
Cùng với vấn đề trên, NHNN đã rất kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN và sau đó gia hạn bằng Thông tư 03/2021/TT-NHNN, cho phép các ngân hàng cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Phó Thống đốc cho hay, nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800 nghìn khách hàng với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp vẫn cho biết là không được ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ hoặc nếu giãn cũng chỉ 3-4 tháng trong khi từ giờ đến hết năm, doanh nghiệp vẫn chưa thể có doanh thu, chưa có nguồn trả nợ.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ điều chỉnh Thông tư 01, Thông tư 03 theo hướng rõ ràng hơn cả về thời điểm được cơ cấu cũng như kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ. Chính sách mới sẽ phù hợp với thực trạng, từng đối tượng, loại hình, ngành nghề doanh nghiệp khác nhau để đưa ra mức độ cơ cấu phù hợp.
Hơn nữa, khi thiết kế và triển khai chính sách hỗ trợ, lãnh đạo NHNN cho biết cần phải tính đến việc phối hợp các chính sách có tính dài hạn hơn, vừa giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong lúc đang giãn cách trước mắt, đồng thời vẫn bảo đảm nguồn lực phục hồi nền kinh tế khi kết thúc giãn cách.
Để đạt các mục tiêu trên, NHNN cho biết rất cần sự phối hợp, đồng thuận của các bộ, ngành liên quan để các văn bản, chính sách liên quan đến tái cơ cấu, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại được đồng bộ, phát huy hiệu quả.