Sẽ sớm xuất siêu trở lại?bãotỷ số thụy điển hôm nay |
Xuất nhập khẩu duy trì đà tăng
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm 2021 có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì đà tăng |
Về các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng nông, thủy sản vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhóm nhiên liệu khoáng sản vẫn trong xu hướng giảm. Với nhóm nông, lâm, thuỷ sản, nhìn chung, hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nay.
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu nửa đầu năm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn có tác động rất sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu thì mức tăng trưởng hai con số là một thành tích hết sức ấn tượng.
Đáng chú ý, trong các nhóm mặt hàng, hai nhóm chính là công nghiệp và nông sản đều có tăng trưởng. Đặc biệt là nhóm hàng công nghiệp hiện nay vẫn đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng xuất khẩu của cả nước. Đặc biệt, nhóm ngành dệt may, da giày trong năm 2020 là nhóm ngành chịu tác động rất nặng nề do ảnh hưởng của việc đứt gãy nguồn cung về nguồn nguyên liệu, thời gian sau là thị trường tiêu thụ, sau nữa là tác động của giá thành vận chuyển. Tuy nhiên, sang đến năm 2021, với đà phục hồi của thị trường thế giới, đặc biệt là khu vực Hoa Kỳ và Châu Âu, hiện nay các ngành dệt may, da giày đang phục hồi các đơn hàng. Theo thông tin từ các doanh nghiệp, hiện nay, các đơn hàng đã có được đến hết quý III, thậm chí là hết năm 2020.
Cùng với xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước.
“Hoạt động nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu có sự gia tăng trong thời gian qua. Đây là tiền đề cho kết quả xuất khẩu những tháng tới” – ông Trần Thanh Hải khẳng định.
Với kết quả xuất nhập khẩu như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 6 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,01 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD.
Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, thủy sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU... Các doanh nghiệp trong nước đang khai thác hiệu quả các lợi thế từ các FTA song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) đang mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Đáng chú ý, ngày 7/6/2021, lô vải thiều Thanh Hà, Hải Dương đầu tiên đã được xuất sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Tiếp theo đó, ngày 12 tháng 6, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Với việc EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nông sản Việt Nam cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang được tiếp sức để tăng khả năng cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thương trường quốc tế.
Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc
Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.
Ngoài ra, theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố là khu vực sản xuất hàng hóa lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hồ Chí Minh… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Còn trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia hay Thái Lan. Do đó, bản thân doanh nghiệp được khuyến cáo phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.