Đến Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16),ớilagravequecirchươngthacircnthiếlịch đá của arsenal chúng tôi rất ấn tượng về tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ với bà con các dân tộc ít người đang làm công nhân, hay hộ nhận khoán tại các đội sản xuất. Đồng bào các dân tộc đã cùng bộ đội biến những vùng đất hoang sơ, cằn cỗi trước đây trở thành những cánh rừng cao su, hồ tiêu, điều bạt ngàn, tạo ra “phên giậu đường biên” vững chắc.
Để đồng bào đồng lòng xây dựng cuộc sống mới
Đội 1, Trung đoàn 717 đứng chân trên địa bàn 2 xã biên giới là Thanh Hòa và Thiện Hưng của huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Đây là một vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế-xã hội. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, chỉ huy Đội 1 đã tiến hành nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục và vận động bà con các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt coi trọng việc tổ chức tuyên truyền, học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho bộ đội và nhân dân. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Văn Ảnh, Chính ủy Trung đoàn 717 nói: “Chúng tôi cung cấp đủ tài liệu và cử cán bộ xuống cùng chỉ huy Đội 1 giới thiệu, tổ chức học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ cho bộ đội, người lao động và nhân dân. Trên cơ sở đó, từng người, từng hộ dân làm bản tự phấn đấu để thực hiện các nội dung đã được học tập, quán triệt”.
Bộ đội Trung đoàn 717 hướng dẫn bà con dân tộc S’tiêng cạo mủ cao su. |
Các buổi tuyên truyền, học tập tấm gương đạo đức của Bác được tổ chức rất đa dạng, phong phú, sinh động, mọi lúc, mọi nơi. Khi thì tiến hành theo kế hoạch tuần-tháng, khi thì được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, họp công nhân. Học tập Bác, bộ đội, người lao động của Đội 1 và các đội sản xuất khác trong Trung đoàn 717 đã phát huy tinh thần đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, mọi công việc được bàn bạc công khai, dân chủ, phát huy ý chí của tập thể. Các gia đình, cá nhân thi đua tiết kiệm chi phí trong sản xuất; chống lãng phí, thất thoát mủ cao su và vật tư; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ neo đơn; phát triển cây trồng, vật nuôi trong gia đình như trồng thêm hồ tiêu, điều, nuôi heo, bò, cá, gia cầm…
Ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tại đơn vị, Trung đoàn 717 còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của địa phương tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân trồng gần 2.500ha cao su, xây dựng hơn 90% các khu dân cư văn hóa.
Kết quả của lao động hăng say và sáng tạo
Trung đoàn 717 hiện đang quản lý 2.487,08ha cao su, 137,90ha điều. Tổng số hộ nhận khoán chăm sóc vườn cây là 431 hộ (trong đó có 217 hộ đồng bào dân tộc ít người). Những năm qua, mặc dù giá mủ cao su và nông sản lên xuống thất thường, nhưng bình quân thu nhập của người lao động đều đạt từ 2,5-5,0 triệu đồng/tháng/người. Hàng trăm hộ đã thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu. Có được niềm vui này, là do bộ đội và nhân dân quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, vất vả, thi đua lao động sản xuất giỏi, tạo ra năng suất lao động ngày càng cao.
Đội 1 hiện quản lý, khai thác 365ha cao su, 15ha hồ nuôi cá và hơn 100ha đất bàu đang cải tạo để trồng cao su, hồ tiêu và các loại cây trồng khác. Bộ đội và người lao động trong đội đã phát triển, chăm sóc tốt các vườn cây, tiếp tục khai hoang để mở rộng diện tích trồng cao su, hồ tiêu, điều. Đến nay, Đội 1 có 332ha cao su đã cho khai thác, hằng năm thu hoạch trung bình được 380 tấn mủ quy khô, năm 2012 đã khai thác được 400 tấn mủ cao su (hoàn thành 105% kế hoạch trên giao). Đại úy Phan Tiến Sỹ, Đội trưởng Đội 1 cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chăm sóc vườn cây, tay nghề cạo mủ cao su cho người lao động. Đến nay, Đội có 90% số thợ cạo mủ có tay nghề giỏi”. Trong các cuộc thi “Bàn tay vàng” cạo mủ cao su do Trung đoàn 717 tổ chức, Đội 1 luôn đoạt những giải cao. Tiêu biểu là các công nhân: Lê Thị Thắm, Vũ Văn Lập, Điểu Thị Huyền, Điểu Xa Rôi…
Đội 3 cũng là một điển hình sản xuất giỏi của Trung đoàn 717. Ở đây có một làng văn hóa của người S’tiêng. Anh Điểu Phú, chủ của một trong những gia đình làm kinh tế giỏi ở làng văn hóa tâm đắc: “Bộ đội Binh đoàn 16, trực tiếp là Trung đoàn 717 giúp đỡ dân tận tình và hiệu quả lắm. Các anh dạy chúng tôi kỹ thuật chăm sóc cây trồng, khai thác mủ cao su và trồng xen các loại cây nông sản ngắn ngày như mì, đậu, lúa… Vì thế, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên. Nhiều gia đình người S’Tiêng giờ đã xây được nhà to với đầy đủ tiện nghi. Có nhà còn mua được ô tô rồi đấy”.
Phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi đã xuất hiện nhiều gia đình làm kinh tế giỏi như Lê Thị Thắm, Điểu Thị Huyền, Lâm Quốc Hoàng (Đội 1); Điểu B’Lố, Điểu Phú, Trần Thanh Hải (Đội 3)… Nói như Thượng tá Phạm Bá Hiền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 717 thì đó là kết quả của những người hăng say lao động sáng tạo, yêu mến vùng đất biên cương.
Xây dựng làng văn hóa, làng quốc phòng-an ninh
Đứng chân trên địa bàn biên giới, lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 717 xác định: Phối hợp với tổ chức Đảng, chính quyền địa phương để xây dựng địa bàn an toàn, là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng đơn vị VMTD. Bằng quyết tâm đó, đơn vị đã cùng địa phương và Bộ đội Biên phòng xây dựng được nhiều điểm sáng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Điển hình như làng dân tộc ở Đội 3, Đội 8. Tại các đội sản xuất, bà con dân tộc S’tiêng, Khơ-me được bộ đội Trung đoàn 717, Bộ đội Biên phòng huấn luyện kỹ về quân sự, cách tổ chức, xây dựng làng văn hóa, làng quốc phòng-an ninh. Nhiều làng đồng bào S’tiêng, đồng bào Khơ-me có các tổ lao động tự quản, tổ an ninh trật tự hoạt động hiệu quả. Trong 4 năm qua, Trung đoàn 717 đã cùng người dân phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ trộm cắp, cùng Bộ đội Biên phòng, công an xử lý hơn 60 vụ gây rối trật tự, đưa người vượt biên trái phép qua biên giới…
Hiện nay, Đội 1 của đơn vị đã tổ chức cho 15 hộ công nhân người Kinh kết nghĩa với 15 hộ đồng bào dân tộc S’tiêng để trao đổi, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Những hộ kết nghĩa này coi nhau như anh em ruột thịt, cho nhau vay vốn làm ăn; giúp về kỹ thuật sản xuất, về nhân lực lao động; giúp đỡ, chia sẻ với nhau khi ốm đau, bệnh tật… Thông qua hoạt động kết nghĩa, càng thắt chặt hơn tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ giữa bà con các dân tộc trên địa bàn. Nó cũng giúp cho đơn vị nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của người dân trong cuộc sống.
Thiếu tướng Lê Đức Thọ, Tư lệnh Binh đoàn 16 cho rằng: “Những đội sản xuất “Nghĩa tình đồng bào” ở Trung đoàn 717 chính là những việc làm cụ thể, hiệu quả trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mô hình ấy đang làm cho một dải biên giới Tây Nam ngày càng thay da, đổi thịt, góp phần quan trọng trong việc xây dựng biên giới Việt Nam-Cam-pu-chia hòa bình, ổn định và phát triển.
(Theo QĐND)