Công chức Hải quan Hà Nội hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Châu Anh |
Nhiều nguy cơ, thách thức từ thương mại điện tử
Theo dự báo của Amazon Global Selling, thương mại điện tử có thể trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam trong 5 năm tới, với giá trị xuất khẩu dự kiến lên đến 296.300 tỷ đồng vào năm 2027.
Các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới với quy mô ngày càng lớn như vậy, đặc biệt là giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giữa các người tiêu dùng (C2C), đang đặt ra một số thách thức mới không chỉ cho các cơ quan quản lý của chính phủ các nước như Việt Nam mà cả với những nhà cung cấp dịch vụ đại lý hải quan.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Tuấn - Khoa Thuế hải quan (Học viện Tài chính), thách thức lớn nhất là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hải quan đối với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Đặc biệt là hoạt động trong một môi trường mở và mang tính toàn cầu, đòi hỏi đại lý hải quan phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe.
Các quy trình dịch vụ thực hiện thủ tục hải quan, nộp thuế, thực hiện thông quan đối với giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới phải hài hoà hoá dựa trên Công ước Kyoto sửa đổi, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật quốc gia. Các yêu cầu về chuẩn hoá cơ sở dữ liệu điện tử đối với hàng xuất khẩu và nhập khẩu, được xác định trong mô hình cơ sở dữ liệu trao đổi tương thích với cơ quan hải quan một cách toàn diện qua biên giới.
Với đặc thù các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới diễn ra khối lượng lớn và tần suất nhanh đòi hỏi việc xử lý thông tin dữ liệu phục vụ thực hiện thủ tục hải quan cũng phải kịp thời và chính xác. Bên cạnh đó, các đại lý hải quan phải đối mặt với nguy cơ bị lợi dụng tiếp tay cho các hoạt động tội phạm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại (như buôn bán ma tuý, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hoạt động rửa tiền,...) do tính chất toàn cầu và phi biên giới của các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hoàn chỉnh các chính sách ưu tiên
Trước những thách thức đó, để có thể nâng cao được vai trò và chất lượng dịch vụ đại lý hải quan trong hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, theo TS. Nguyễn Hoàng Tuấn, một số giải pháp đồng bộ cần phải được thực hiện ngay.
Trong đó ưu tiên nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai và thực hiện. Trước hết là các quy định pháp luật về thương mại điện tử xuyên biên giới, bởi các quy định hiện tại ở Việt Nam còn nhiều điểm không phù hợp hoặc còn thiếu đã khiến việc xác định vai trò và trách nhiệm tương ứng của các bên liên quan trong đó có đại lý hải quan gặp khó khăn. Sau đó là xây dựng hoàn chỉnh các chính sách ưu tiên trong hoạt động cho các đại lý hải quan và nhân viên đại lý hải quan để khuyến khích các đối tượng này đứng tên và chịu trách nhiệm đối với các hoạt động thông quan hàng hóa. Nhất là nghiên cứu các tiêu chí để tiến tới xếp hạng doanh nghiệp đại lý hải quan uy tín từ đó giúp tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đại lý hải quan trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cùng với đó, tăng cường năng lực và chất lượng nhân viên đại lý hải quan. Theo đánh giá, năng lực của đa số các đại lý hải quan hiện nay chưa cao, không đồng đều, số lượng nhân viên có chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan còn ít. Đội ngũ nhân viên đại lý hải quan chưa nắm bắt sâu và kịp thời các kiến thức về pháp luật hải quan, các chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, kê khai tính thuế, xác định trị giá tính thuế, áp mã số HS... để xảy ra sai sót trong quá trình làm thủ tục hải quan. Bởi vậy, cần có các chính sách đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, đào tạo, phổ biến và cập nhật các kiến thức về lĩnh vực hải quan cho các nhân viên đại lý hải quan thông qua nhiều hình thức và các kênh khác nhau như thông qua các đơn vị hải quan cấp địa phương, các hiệp hội, các cơ sở đào tạo có chuyên ngành về lĩnh vực hải quan.
Cuối cùng là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật hải quan của các đại lý hải quan thông qua tăng cường mối quan hệ hợp tác Hải quan - Doanh nghiệp. Cùng với sự phát triển kinh tế, hoạt động giao dịch trao đổi thương mại quốc tế, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới diễn ra ngày càng mạnh mẽ cả về quy mô và tần suất. Do đó, công tác kiểm soát của Hải quan muốn đáp ứng được hiệu quả cần phải có sự phối hợp từ phía các doanh nghiệp tham gia đặc biệt là các đại lý hải quan. Muốn vậy, cơ quan hải quan cần phải cải thiện và nâng cao mức độ tuân thủ tự nguyện pháp luật của các đại lý hải quan như thực hiện các chương trình hợp tác theo chuyên đề giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp đại lý hải quan và các bên liên quan thương mại điện tử xuyên biên giới. Việc này nhằm hiện thực hóa các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đại lý hải quan ở phạm vi cấp ngành, cấp cục và cấp chi cục.
Công nhận hơn 1.600 doanh nghiệp hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan Theo số liệu công bố gần đây tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã công nhận hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan đối với hơn 1.600 doanh nghiệp (thực tế đang hoạt động khoảng 1.200 đại lý). Về nhân viên đại lý hải quan, Tổng cục Hải quan đã thực hiện cấp mã số nhân viên đại lý hải quan cho khoảng 3.200 nhân viên (thực tế khoảng 1.700 mã số nhân viên đại lý hải quan đang hoạt động). |