Chơi game không kiểm soát được bản thân có thể nghiện,áigiácủanghiệbdkq bdn dẫn đến nhiều hệ lụy. (Ảnh minh họa)
Hôm ấy, bị cáo (25 tuổi) chơi game tại một tiệm game trên địa bàn phường An Cựu (TP. Huế). Chơi được một lúc thì hết tiền trong tài khoản nên máy tự động khóa. Bị cáo nhắn tin qua hệ thống máy tính, yêu cầu người trông coi quán internet mở lại máy để tiếp tục chơi, nhưng câu trả lời là “không mở được”. Quy định của quán: khách phải nộp tiền tiếp vào tài khoản mới được chơi. Bực tức, bị cáo cầm con chuột máy tính đang sử dụng, ném vào màn hình máy tính bên cạnh rồi bỏ về. Hậu quả màn hình máy tính bị rạn nứt, thiệt hại 90% giá trị, con chuột bị ném cũng hư hỏng. Tổng thiệt hại mà bị cáo gây ra là 3,3 triệu đồng. Hành vi của bị cáo bị camera ghi lại. Chủ tiệm internet gửi đơn lên công an yêu cầu xử lý. Cơ quan chức năng khởi tố vụ án “cố ý làm hư hỏng tài sản”, bị cáo bị bắt tạm giam.
Tại phiên tòa, không ít người dự khán ngạc nhiên thắc mắc, hành vi vi phạm của bị cáo đúng là phải bị xử lý theo pháp luật hình sự. Tuy nhiên, với mức thiệt hại về tài sản chỉ 3,3 triệu đồng mà bị cáo phải “ngồi” 2 năm tù, phải chăng là quá nặng. Thế nhưng, phải lãnh mức hình phạt đó là bởi “đằng sau” hành vi vi phạm lần này, trước đó vào năm 2007, lúc chỉ mới 15 tuổi, bị cáo đã từng nhiều lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, nên bị UBND TP. Huế ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, với thời hạn 24 tháng.
Đến năm 2012, bị cáo tiếp tục bị TAND TP.Huế xử phạt 9 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Năm 2016, bị cáo lại bị phạt 1 năm tù về tội trộm cắp, với tình tiết “tái phạm”. Với “thành tích” tiền án, tiền sự “dày cộm” đó, nên lần phạm tội này, bị cáo bị xét xử nghiêm khắc, theo các quy định của pháp luật hình sự.
Suốt buổi, mẹ của bị cáo chỉ biết ngồi co ro với gương mặt khổ sở. Bà tâm sự, gia đình rất khó khăn, mải bươn chải mưu sinh nên đã lơ là việc dạy dỗ, uốn nắn con. Con trai bà thường xuyên bỏ học, theo đám bạn bè la cà quán nét mà bà đâu hề biết. Lúc đầu, nó dùng tiền mẹ cho ăn sáng, tiêu vặt để “nướng” vào game. “Nghiện” nặng, nó bỏ học luôn, “cày ngày cày đêm” tại quán nét và bắt đầu trộm cắp tài sản bán lấy tiền chơi game. Khi con trai bị bắt quả tang trộm cắp, bị xử lý, thì bà mới tá hỏa. Lúc đó đã muộn mất rồi.
Mẹ bị cáo tâm sự, là “người trong cuộc”, bà mới hiểu nỗi khổ của những người làm cha mẹ có con cái nghiện game. “Nó” cũng nguy hiểm như người ta nghiện ma túy, đã mê muội là khó rút chân. Bà cũng rơi vào tuyệt vọng khi đã làm đủ mọi cách như “ngọt nhạt”, răn đe, “cắt” các khoản tiền chi tiêu…, nhưng tất cả đều “thua” cơn nghiện của đứa con trai. Không cho tiền thì nó đi trộm cắp. Thậm chí ra khỏi trại giáo dưỡng, ra khỏi trại giam, nó vẫn không tỉnh ngộ, vẫn tiếp tục u mê đi vào vết xe đổ. Lần này con trai bà cố ý làm hư hỏng tài sản của người ta, trị giá 3,3 triệu đồng, sau khi nó bị bắt, bà chạy ngược chạy xuôi để có 2 triệu đồng, thay con bồi thường cho bị hại.
Nhiều cán bộ làm công tác xét xử tại TAND hai cấp cho biết, không có con số thống kê cụ thể, nhưng qua thực tiễn xét xử, rất nhiều vụ án nguy hiểm như cướp giật tài sản, trộm cắp…, nguyên nhân do bị cáo nghiện game. Những bị cáo này thường ở tuổi thanh, thiếu niên, không nghề nghiệp, cần tiền để “nướng” vào game nên làm liều. Trong quá trình xét xử, tòa án cũng cảnh báo các bậc cha mẹ phải yêu thương, quản lý, định hướng, giáo dục, uốn nắn con đúng cách, ngay từ khi con còn thơ bé để tránh câu chuyện buồn con lêu lổng, ham chơi, nghiện game, nghiện ma túy…Đó là “con đường” đến tù tội, hủy hoại cuộc đời.
Duy Trí