Xung quanh dự án luật này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, PGS.TS Hoàng Văn Cường.
PV: Thưa ông, sau nhiều lần được các đại biểu Quốc hội, giới chuyên gia đề xuất, đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản đã được cơ quan soạn thảo đưa ra lấy ý kiến. Ông đánh giá thế nào sự cần thiết của sắc thuế mới này?PGS.TS. Hoàng Văn Cường |
Như vậy, rõ ràng mục tiêu rất cơ bản của thuế tài sản là đảm bảo sự công bằng trong xã hội, đảm bảo quyền cơ bản của mọi người được tôn trọng. Việc này cũng tạo ra nguồn thu cho ngân sách. Nhà nước không đi làm kinh tế mà nguồn thu chính của Nhà nước là thuế, để trang trải chi phí điều hành, đồng thời để đầu tư cho phát triển, cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội. Với những lợi ích như vậy, thuế tài sản được áp dụng rất phổ biến và thậm chí ở mức cao ở nhiều nước phát triển.
PV: Hiệu quả là như vậy nhưng theo ông, thời điểm hiện nay chúng ta áp dụng thuế này đã phù hợp hay chưa?
PGS.TS. Hoàng Văn Cường: Thực ra không phải bây giờ mà thuế tài sản đã được đề cập đến từ nhiều năm trước đây. Càng gần đây, tính cấp bách của việc áp dụng thuế tài sản càng rõ hơn khi sự chênh lệch giữa nhóm người giàu và nhóm có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội ngày càng tăng. Hiện nay, có tình trạng một số người có tiềm lực, thu gom tài sản để chiếm giữ, điển hình như nhà đất… khiến giá nhà đất ngày càng cao, người nghèo càng khó có cơ hội tiếp cận nhà ở.
Do đó, tôi không nghĩ thời điểm này là sớm. Nếu chưa áp dụng thì sẽ lại càng muộn, bởi tình trạng đầu cơ và sự bất bình đẳng lại càng tăng. Khi tiền dồn vào đầu cơ không chỉ khiến giá cả tăng cao mà còn khiến nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh giảm sút, gây bất lợi cho hiệu quả hoạt động của cả nền kinh tế. Như vậy, lợi ích của việc chống đầu cơ là rất lớn, mà trong chống đầu cơ, thuế tài sản đóng vai trò hết sức quan trọng.
Ở Việt Nam thời gian qua, tình trạng đầu cơ, các cơn “sốt” bất động sản đã gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế, từ việc khiến giá bất động sản tăng cao đến nợ xấu ngân hàng. Nếu chúng ta triển khai tốt thuế tài sản, hạn chế được tình trạng đầu cơ sẽ đem lại lợi ích lớn cho xã hội.
PV: Từ khía cạnh ngân sách, việc áp dụng thuế tài sản có ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Hoàng Văn Cường: Đương nhiên nếu chúng ta áp dụng luật thuế này thì số thu cũng tăng lên. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta đừng chỉ nghĩ rằng vì thu cho ngân sách mà có thuế tài sản. Thuế trước hết là công cụ của Nhà nước để điều tiết các hành vi trong xã hội. Đơn cử như chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với những hàng hóa xa xỉ, hàng hóa không có lợi cho sức khỏe, cho xã hội, cần hạn chế tiêu dùng. Thuế cũng nhằm phân phối, điều tiết thu nhập, hạn chế các hành vi đầu cơ, khuyến khích những hành vi lành mạnh, mang lại lợi ích tốt đẹp cho xã hội.
Do vậy, phải thấy rằng tăng thu không phải là mục tiêu đầu tiên của việc áp thuế tài sản mà trước hết, quan trọng hơn là để điều tiết, chiếm hữu tài sản. Như tôi đã nói, người nào chiếm hữu nhiều thì cần có trách nhiệm với xã hội, khi làm giảm cơ hội tiếp cận tài sản của người khác. Khi đó, đương nhiên Nhà nước phải đứng ra làm người điều tiết, dùng nguồn thu đó để đầu tư trở lại cho xã hội.
PV: Với tất cả những tính hiệu quả như trên, nhưng việc triển khai áp dụng thuế tài sản không hề đơn giản. Dự án khi đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Vậy theo ông, làm thế nào để có thể triển khai áp dụng sắc thuế này một cách khả thi, nhận được sự đồng thuận nhiều hơn trong xã hội?
PGS.TS. Hoàng Văn Cường: Theo tôi, để có được sự đồng thuận rộng rãi, dự thảo luật nên làm nổi bật được tính điều tiết, phân phối từ những người nhiều tài sản cho những người yếu thế, người nghèo được hưởng lợi. Nên chăng, chúng ta thiết kế luật theo hướng ít gây ảnh hưởng đến đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp; tức là người nghèo nên chỉ đóng một phần thuế rất nhỏ, người giàu phải đóng mức cao hơn. Có thể áp dụng một hệ số lũy tiến, tài sản càng nhiều mức đóng càng cao. Ở nhiều nước, thậm chí có hệ số lũy tiến lên đến 10 – 12%. Với cơ chế lũy tiến, tôi tin rằng sẽ phù hợp hơn, dễ đồng thuận hơn. Số ít người giàu có mức thuế phải đóng cao hơn nhiều người thu nhập thấp và trung bình, nhưng tôi tin rằng mức độ ảnh hưởng với họ không lớn như với người nghèo và việc họ đóng góp trở lại cho xã hội bằng mức thuế cao cũng dễ được họ đồng tình hơn.
Với chính sách này, nguồn thu cũng sẽ tăng hơn bởi thực tế số thuế từ người thu nhập thấp không nhiều, phần thuế thu từ những người giàu, nhiều tài sản mới là đáng kể bởi tài sản của người giàu có thể lớn gấp hàng trăm lần tài sản của người nghèo. Số thu đó vừa đáp ứng đúng nghĩa vai trò điều tiết và chi phí hành thu lại thấp. Hiệu quả chính sách khi đó sẽ cao hơn, “một mũi tên” cùng lúc đạt nhiều mục đích.
PV: Xin cảm ơn ông!
“Phải thấy rằng tăng thu không phải là mục tiêu đầu tiên của việc áp thuế tài sản mà trước hết, quan trọng hơn là để điều tiết, chiếm hữu tài sản. Như tôi đã nói, người nào chiếm hữu nhiều thì cần có trách nhiệm với xã hội, khi làm giảm cơ hội tiếp cận tài sản của người khác. Khi đó, đương nhiên Nhà nước phải đứng ra làm người điều tiết, dùng nguồn thu đó để đầu tư trở lại cho xã hội”. PGS.TS Hoàng Văn Cường. |
* Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh:
Không nên đánh thuế nhà giá trị thấp
Ông Vũ Đình Ánh |
Thuế tài sản là sắc thuế phổ thông trên thế giới và nằm trong hệ thống thuế. Từ năm 1991, ở Việt Nam đã có Pháp lệnh Thuế nhà đất với thuế suất 0,3% - 0,4%. Tuy nhiên, năm 1992 do nhiều lý do khác nhau đến nay chỉ giữ lại thuế đất. Như vậy, vấn đề không hoàn toàn mới. Song, để tạo sự đồng thuận, trong truyền thông về thuế tài sản có thể chia ra 3 giai đoạn, từ giải thích, thuyết phục người dân hiểu bản chất của thuế tài sản, cho đến sự cần thiết phải ban hành luật và xác định đối tượng chịu thuế, mức thuế…
Mức thuế tài sản đối với nhà, tôi cho rằng không nên đánh thuế nhà giá trị thấp. Chúng ta cũng không nên loay hoay giữa việc đánh thuế nhà thứ nhất hay đánh thuế nhà thứ hai mà cần làm rõ ngưỡng chịu thuế với nhà 700 triệu đồng. Bên cạnh chính sách thu, cần thiết phải siết chặt kỷ luật ngân sách, bởi “người dân sẽ vui lòng nộp thuế nếu những đồng thuế đó được sử dụng một cách đích đáng và tiết kiệm”.
T.T (lược ghi)
* Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính:
Nhiều nước đánh thuế tài sản đối với nhà và đất
Bà Lê Thị Mai Liên |
Ở nhiều quốc gia, có 3 phương thức đánh thuế: Thuế đối với đất, nhà và công trình trên đất; thuế đối với nhà; thuế đối với đất. Trong đó, hầu hết các nước đánh thuế đối với cả nhà và đất. Về đối tượng chịu thuế, nhiều quốc gia thu thuế đối với cả nhà ở, đất ở và đất và các công trình không sử dụng để ở; cho mục đích công nghiệp. Đất ở, nhà ở nhìn chung chịu gánh nặng thuế thấp hơn so với các loại đất, nhà sử dụng cho các mục đích kinh doanh.
Thuế suất ở nhiều quốc gia rất khác nhau. Ngoài biểu thuế suất có nhiều mức, còn có sự phân biệt giữa các khu vực với số hệ số định giá khác nhau, phụ thuộc vào từng loại tài sản. Ví dụ ở Philippines, thuế ở thành phố và đô thị trong khu vực Manila không vượt quá 2% giá trị định giá của bất động sản. Còn Hàn Quốc ban hành biểu thuế suất lũy tiến theo giá trị tài sản và áp dụng các mức thuế khác nhau, trong đó thường điều tiết cao hơn đối với đất. Ví dụ, đất làm sân golf, khu giải trí cao cấp có mức thuế suất cao nhất, lên tới 4%; biệt thự, nhà trong sân golf và khu giải trí cao cấp cũng có mức thuế tương tự.
M.A (lược ghi)
Hoàng Yến (thực hiện)