Bầu cử Mỹ: Tranh cãi hình thức tranh luận trực tiếp hay trực tuyến | |
Những vấn đề nổi bật trong cuộc tranh luận Phó Tổng thống Mỹ 2020 | |
Tình hình sức khỏe nội các Mỹ và những người tiếp xúc gần Tổng thống Trump |
Hai ứng viên Phó Tổng thống Mỹ, Pence (phải) và Harris. Ảnh: NPR.. |
Thông thường, “màn so găng” giữa các ứng viên phó Tổng thống chỉ là màn trình diễn bên lề trong bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump mắc Covid-19 đã khiến cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Phó Tổng thống năm nay nhận được sự chú ý ngoài dự kiến.
Trong quá khứ, những cuộc tranh luận giữa các “phó tướng” thường ít thu hút sự chú ý của dư luận và cử tri. Tuy nhiên, cuộc tranh luận năm nay có vẻ lại khiến dư luận quan tâm đặc biệt, truyền thông thậm chí gọi đây là màn “so găng” lớn nhất lịch sử Mỹ giữa các Phó Tổng thống.
Dư luận, cử tri Mỹ quan tâm đến tranh luận Pence-Harris
Lý do đầu tiên mà cử tri Mỹ quan tâm tới cuộc tranh luận của hai phó tướng đó là vì cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống đã quá gây thất vọng và được coi là một sự hỗn loạn khi hai bên chỉ nhằm công kích, chỉ trích nhau thay vì tập trung vào các nội dung tranh luận là các vấn đề mà cử tri quan tâm.
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden hôm 29/9 đã thiếu đi các chính sách nghiêm túc mà một số người nói là họ kỳ vọng ở cuộc tranh luận để có cái nhìn rõ hơn khi đưa ra quyết định trên mỗi lá phiếu.
Ngoài ra, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump mắc Covid-19 trong khi chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra cuộc tranh luận thứ hai thì khả năng ông Trump không thể tham gia các cuộc tranh luận trực tiếp với ông Biden hoặc các cuộc tranh luận còn lại có thể bị hủy là hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, cuộc tranh luận giữa Phó Tổng thống Mike Pence và Thượng nghị sỹ Kamala Harris được coi là cuộc tranh luận cuối cùng giữa các ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử năm nay nếu ông Trump không bình phục kịp thời để tham gia các cuộc tranh luận còn lại vào 15 và 22/10 tới.
Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Viện Brookings ở Mỹ đã gọi cuộc tranh luận phó tổng thống Mỹ lần này là quan trọng nhất trong lịch sử. Ngoài ra, cả hai ứng cử viên Tổng thống đều đã cao tuổi, do đó, một số người dự đoán rằng 4 năm sắp tới, ông Pence và bà Harris đều có thể là đại diện hàng đầu của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trên các lá phiếu, vì thế cuộc tranh luận lần này còn được coi như màn tập dượt cho các cuộc đấu chính trị trong tương lai.
Dư luận Mỹ đánh giá 2 ứng cử viên phó Tổng thống Mỹ
Trong màn tranh luận đầu tiên và duy nhất, cả hai ứng cử viên Phó Tổng thống đều đã thể hiện được các quan điểm chính sách trái ngược nhưng những gì họ nêu ra không có nhiều điểm mới. Cả hai ứng cử viên đều né tránh một số câu hỏi khó và tránh những phát ngôn hớ hênh có thể gây dậy sóng truyền thông. Tuy nhiên, nhìn chung, cả hai ứng cử viên đều đã làm tròn vai trong việc bảo vệ các chính sách của liên danh tranh cử của mình, mặc dù không có được các bước đột phá cần thiết.
Trên trang Twitter cá nhân, Elliott Morris, phóng viên chuyên về mảng dữ liệu của tờ The Economist, nhận xét đây là một cuộc tranh luận phó tổng thống chuẩn mực, tốt đẹp. Hai ứng cử viên đã tập trung vào các chủ đề mà người điều khiển tranh luận nêu ra, song vẫn còn né tránh nhiều câu hỏi và đôi khi chỉ đơn giản là “quảng bá” cho ứng cử viên tổng thống trong liên danh tranh cử của mình.
Về phần mình, ông Ian Bremmer, Chủ tịch Nhóm tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho rằng đây là một trận đấu “có kết quả hòa”. Theo ông Bremmer, không nên nghĩ rằng những cử tri hiện chưa quyết định bầu cho ứng cử viên nào sẽ thay đổi quyết định sau khi họ chứng kiến màn tranh luận giữa ông Pence và bà Harris.
Lara Brown, Giám đốc trường Quản lý chính trị thuộc đại học George Washington cho rằng Thượng nghị sỹ Harris đã có cuộc tranh luận tốt nhất trong năm khi đã kết nối được các dữ liệu chính sách, các câu chuyện cá nhân và những lời công kích. Trong khi đó, Phó Tổng thống Pence đã giữ được phong thái bình tĩnh và quyết đoán. Bà Lara Brown cho rằng cả hai ứng cử viên đều đã khẳng định với các thành viên của đảng mình về khả năng chính trị và nắm bắt chính sách.
Giới phân tích đánh giá không ứng viên nào thực sự thắng thế trong màn tranh luận này và không bên nào thực sự có được đòn knock out đối thủ hoặc có các thời khắc lớn để có thể tạo điểm nhấn và gây ấn tượng với các cử tri, đặc biệt là các cử tri độc lập và do dự.
Tác động của 2 ứng viên phó Tổng thống lên “cuộc đua” chính
Trong lịch sử bầu cử ở Mỹ, các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Phó Tổng thống hầu như không mang tính quyết định và không có nhiều ảnh hưởng tới quyết định của cử tri khi mục đích của cuộc tranh luận chủ yếu tập trung vào việc một ứng cử viên Phó Tổng thống sẽ hỗ trợ như thế nào cho liên danh tranh cử của mình nếu thắng cử.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận giữa Phó Tổng thống Mike Pence và Thượng nghị sỹ Kamala Harris năm nay lại có sự khác biệt lớn và nhận được sự quan tâm của người dân Mỹ. Ngoài các vấn đề nước Mỹ đang phải đối mặt như dịch Covid-19, kinh tế Mỹ suy thoái, biểu tình biến thành bạo loạn liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc, dư luận Mỹ mong muốn xem cuộc tranh luận này có khác gì so với cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống diễn ra mới đây hay không. Mặc dù khác với cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống có nhiều gián đoạn và tranh cãi, cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên phó Tổng thống được nhiều người dân Mỹ đánh giá là nhiều thông tin hơn và chất lượng hơn, tuy nhiên nội dung các câu trả lời không có gì mới, không có đột phá và cả hai ứng cử viên đều tìm cách trả lời một cách khá an toàn.
Có thể nói cả hai ứng cử viên đều đã khẳng định được với các thành viên của đảng mình về khả năng chính trị và nắm bắt chính sách, tuy nhiên, cũng như các cuộc tranh luận Phó Tổng thống khác, màn thể hiện của ông Pence và bà Harris sẽ chắc chắn không thể tạo được nền tảng và bước tiến thực sự cho đảng của mình trong cuộc chạy đua vào ngày 3/11 tới.