Những dãy kho cũ (xây năm 1973) và mới đan xen. Ảnh: Đức Minh |
Cấp thiết lập quy hoạch mới
Ngày 17/1/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 94/QĐ-TTg về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia (DTQG) đến năm 2020” (bao gồm toàn bộ hệ thống kho chứa do 9 bộ, ngành quản lý), được định hướng bố trí trên 8 vùng kinh tế - xã hội của cả nước là: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam Bộ.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể, các bộ, ngành được Chính phủ giao quản lý hàng DTQG đã xây dựng, ban hành quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG đã cụ thể hóa từng điểm kho quy hoạch với quy mô, công suất, cơ cấu hàng dự trữ, công nghệ bảo quản, nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư kho và thứ tự ưu tiên đầu tư của từng dự án theo 2 giai đoạn (2011 - 2015 và 2016 - 2020).
Sau khi thực hiện quy hoạch hệ thống kho DTQG giai đoạn 2011 - 2020 cho thấy, lực lượng DTQG vừa là công cụ vừa là tiềm lực tài chính của Nhà nước, nhằm sẵn sàng, chủ động đáp ứng mục tiêu DTQG theo quy định tại Luật DTQG và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Hệ thống chính sách, pháp luật về DTQG được hoàn thiện ở khung pháp lý cao nhất là Luật DTQG đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về DTQG. Tiềm lực của DTQG từng bước được tăng cường, củng cố; hàng DTQG được bố trí trên các vùng kinh tế - xã hội và địa bàn chiến lược trên cả nước, đảm bảo chủ động, nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện, như: Quy mô công suất kho DTQG chưa đạt mục tiêu theo quy hoạch, mức DTQG so với GDP vẫn ở mức thấp, chưa đạt tiêu chuẩn chiến lược đề ra; mức DTQG một số mặt hàng thiết yếu còn chưa đáp ứng được nhu cầu đột xuất, cấp bách xảy ra trên diện rộng, thời gian kéo dài; hệ thống kho DTQG chưa được bố trí đầu tư theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; công tác xã hội hóa DTQG chưa đạt được kết quả đề ra.
Đánh giá hệ thống kho DTQG giai đoạn 2011 - 2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) Nguyễn Thị Phố Giang cho biết, trong những năm qua, hệ thống kho DTQG đã từng bước được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp sửa chữa, cơ bản đáp ứng yêu cầu “4 tại chỗ”, chủ động, sẵn sàng thực hiện mục tiêu DTQG và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách xảy ra.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nguồn vốn đầu tư bố trí để xây dựng hệ thống kho DTQG giai đoạn 2011 - 2020 còn thấp (chỉ đạt khoảng 20% so với nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch phê duyệt); nguồn vốn bố trí cho cải tạo, sửa chữa kho DTQG còn hạn chế.
Thực trạng này dẫn tới hệ thống kho DTQG hiện nay chưa đồng bộ, nhỏ lẻ, dàn trải, nhiều kho đã xuống cấp; một số bộ, ngành phải tận dụng nhiều kho cũ để chứa hàng DTQG. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động DTQG…
9 bộ, ngành được phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia Hiện nay có 9 bộ, ngành được phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia, trong đó 6 bộ là Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế đang quản lý, bảo quản hàng; 3 bộ, ngành (Bộ Giao thông vận tải, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam) không có hàng tồn kho. |
Đến hết năm 2020, quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đã hết thời gian thực hiện; trong những năm qua, công tác quy hoạch hệ thống kho DTQG đã được các bộ, ngành triển khai tích cực, rộng khắp. Quy hoạch đã trở thành căn cứ cho việc xây dựng quy hoạch chi tiết để hoạch định các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, đã trở thành một trong những công cụ hữu hiệu để quản lý và điều hành DTQG trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Dự báo kinh tế trong nước và quốc tế thời gian tới vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng cùng với sự chuyển động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu rộng tới nền kinh tế toàn cầu. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường cùng là những nguy cơ tiềm ẩn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.
Hoạt động của DTQG giai đoạn tới cần phải có định hướng, quan điểm và bố trí các điểm kho DTQG với tích lượng, công suất phù hợp với từng vùng kinh tế chiến lược để chủ động thực hiện công tác xuất cấp hàng DTQG, hạn chế việc vận chuyển, giảm thời gian giao nhận hàng DTQG và phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Theo đó, việc lập quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ DTQG trong giai đoạn mới và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.
Chủ động trong thực thi nhiệm vụ
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Nguyễn Thị Phố Giang cho biết, ngày 8/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
17/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính lập “Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai các công việc liên quan đến lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch ngay trong năm 2021, gồm: phê duyệt dự toán lập quy hoạch; phê duyệt nguồn vốn lập quy hoạch; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng với đơn vị lập quy hoạch…
Trên cơ sở Quyết định số 182/QĐ-BTC ngày 2/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thành lập Ban soạn thảo, tổ giúp việc lập quy hoạch, Tổng cục DTNN chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn và các bộ, ngành quản lý hàng DTQG, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính triển khai đầy đủ các quy trình theo đúng quy định của pháp luật để dự thảo quy hoạch.
Theo bà Nguyễn Thị Phố Giang, đến ngày 5/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 33/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch, trong đó, Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ Tài chính là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định.
Ngày 18/5/2023, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ số 86/TTr-BTC về việc phê duyệt kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho cơ quan thường trực và các thành viên hội đồng thẩm định, trong đó đề xuất thời gian (theo đúng Văn bản số 2217/VPCP-TH của Văn phòng Chính phủ) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2023.
Bảo đảm tính đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, việc lập quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia phải tuân theo quy định của Luật Quy hoạch, quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường. Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn. Đồng thời, bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch. Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch và bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cơ quan nhà nước. |