【câu lạc bộ pháp】Nhìn ra phía biển ngẫm lại chuyện xưa
Từ những ngày tháng 7 vừa qua cho đến hôm nay, tin Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng biển Hòn Khoai đã làm nức lòng người dân nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc. Ðây là cảng tổng hợp quốc gia có thể đón các tàu biển có dung tích, tải trọng lớn nhất thế giới hiện nay, với dự kiến tổng số vốn đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD.
Từ những ngày tháng 7 vừa qua cho đến hôm nay, tin Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng biển Hòn Khoai đã làm nức lòng người dân nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc. Ðây là cảng tổng hợp quốc gia có thể đón các tàu biển có dung tích, tải trọng lớn nhất thế giới hiện nay, với dự kiến tổng số vốn đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD.
Nghe tin đó, chợt nhớ đến chuyện xưa, sách sử còn ghi làm tin cho hậu thế. Tiềm năng về biển của Cà Mau nói riêng, cả nước nói chung luôn được muôn đời dân Việt khẳng định ở cả phương diện kinh tế lẫn văn hoá. Biết rõ tiềm năng đó nên trải dài hơn 4.000 năm của quá trình lịch sử dân tộc Việt Nam, dẫu dân gian hay chính sử đều có những cách riêng đánh dấu hầu cho con cháu sau này (như chúng ta) biết mà gìn giữ, khai thác.
Một góc cụm đảo Hòn Khoai. Ảnh: THANH QUANG |
Ðại Việt sử ký toàn thư chép lại truyền thuyết dân gian rằng dân tộc Việt Nam có thuỷ tổ là Lạc Long Quân và Âu Cơ, hai người sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm con (vậy mới gọi là đồng bào!). Sau một thời gian, Lạc Long Quân nhận thấy: "Nàng là giống Tiên, ta là giống Rồng, nàng nên đem theo 50 con lên (miền) núi sinh sống, ta đem 50 con xuống (miền) biển, khi cần thì gọi, ta về ngay". Ðiều này cho thấy, hơn 4.000 năm trước, vị thế của biển đã được cha ông ta đặt ngang hàng với vùng núi. Ðó là mối quan hệ anh - em (đồng bào), chồng - vợ (Lạc Long Quân - Âu Cơ) nên khi có biến cố thì sẵn sàng ứng cứu lẫn nhau… điều đó được ghi dấu bằng cách đặt tên cho những địa danh trọng yếu của đất nước ta: Hoàng Liên Sơn (phía Bắc), Trường Sơn (phía Nam) ở vùng rừng núi và Hoàng Sa (phía Bắc), Trường Sa (phía Nam) ở trên vùng biển.
Trải qua 18 đời Vua Hùng, đến An Dương Vương, để xây dựng thành trì giữ đất, Thần Kim Quy từ mặt sông xuất hiện. Phải chăng đây là sứ thần, bộ hạ của con, cháu Lạc Long Quân đến giúp đỡ theo lời khẩn cầu của An Dương Vương? Và khi đất nước có loạn thì An Dương Vương cũng chạy về phía biển để được “thần biển” chở che, rẽ nước cho ông xuống thuỷ cung. Vậy là ông đã được về với thuỷ tổ Lạc Long Quân của mình.
Về kinh tế, rất nhiều câu chuyện cổ tích mà ông cha ta đã dày công sáng tạo đều có ít, nhiều liên quan tới tiềm lực của biển. “Ăn khế trả vàng” là câu chuyện như vậy. Trong câu chuyện này, người em quá khốn khó, gia tài chỉ có mỗi cây khế, vậy mà những con chim phượng hoàng cứ đến ăn mãi không thôi. Nhưng bù lại, những con chim này đã chở người em ra biển, lên một hòn đảo nào đó để chở vàng về như một sự trả công. Ở câu chuyện này, yếu tố “kinh tế biển” đã được cha ông ta khéo léo nhắc nhở: biển là mỏ vàng, cần phải được khai thác một cách hợp lý và “bền vững” (như cách nói hiện nay), nếu không, nó sẽ nhấn ta chìm xuống biển như người anh tham lam trong câu chuyện đó.
Không chỉ có những truyền thuyết, cổ tích khẳng định tiềm năng và ghi dấu về biển trong tâm thức người Việt, các đời vua của chế độ phong kiến ở nước ta từ ngàn xưa vẫn coi trọng biển, xem biển là nhà, là lãnh thổ không thể tách rời của Nhân dân ta. Bà Triệu, khi chỉ mới 19 tuổi, đã quyết chí: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Ðông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”. Ở câu chuyện lịch sử này chắc rằng có người sẽ hỏi: Bà Triệu đánh giặc trên bộ, trên đất liền, nhưng sao lại đưa ra những dữ liệu “chiến tranh” ở trên biển? Xin thưa rằng, có như thế ta mới thấy rõ biển Ðông từ lâu đã do dân tộc Việt Nam làm chủ. Bà tuyên bố như vậy cốt để khẳng định: Dù giặc có xâm lấn trên đất liền hay trên biển thì dân tộc Việt Nam cũng quyết “giành lại giang san”.
Ðến thời kỳ Ðại Việt tự chủ, người dân Việt chúng ta cũng thường xuyên và liên tục làm chủ biển đảo. Sản vật biển đảo luôn là sản vật quý giá nhất mà người dân dùng để tiến vua. Chính vì lẽ đó mà đến thế kỷ XVII, các đời chúa Nguyễn, sau này là các đời vua nhà Nguyễn đã thay nhau liên tục lập nên các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để thu thập sản vật và hơn nữa là để bảo vệ cư dân trong phần biển, đảo của mình.
Với Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long), biển đảo luôn là chốn dung thân mỗi khi quân Tây Sơn đuổi đánh. Nguyễn Ánh đã có ít nhất 4 lần đặt chân đến đạo Long Xuyên (Cà Mau xưa) và cũng nhiều lần cưỡi sóng biển. Qua những lần đó, Nguyễn Ánh cũng thấy được vị trí quan trọng của biển, đảo trong chiến lược khôi phục giang sơn. Tháng 12/1785, khi Nguyễn Ánh còn đang ở nước Xiêm (Thái Lan ngày nay), Dương Công Trừng cùng với Lê Thượng và Nguyễn Tần (tướng của Nguyễn Ánh) đánh úp, phá đồn Tây Sơn ở đạo Long Xuyên và đóng quân ở đất Ông Do (trên phần đất huyện Năm Căn ngày nay), biết được thông tin đó, Nguyễn Ánh nhận xét:
- Long Xuyên là đất trọng yếu của Gia Ðịnh, thế nào quân Tây Sơn cũng giành. Vả lại, đất Ông Do, đường thuỷ, đường bộ đều không tiện, nay các tướng quân thì ít mà cố giữ ở đó, quân giặc chợt đến thì lấy gì mà đối phó?
Ngay sau đó, Nguyễn Ánh cho người báo cho Dương Công Trừng để dời thuyền ra vùng biển, đảo nhằm tính thế dựa vào biển đảo mà đánh, nhưng người đưa tin chưa tới thì quân Tây Sơn đã đánh úp quân của Dương Công Trừng ở Ông Do đúng như Nguyễn Ánh dự đoán. Dương Công Trừng bị bắt trong trận, sau đó bị giết. Khi hay tin, Nguyễn Ánh than rằng: Các tướng không biết binh pháp cho nên thua như thế!
Du khách từ đất liền ra tham quan Hòn Khoai. Ảnh: VŨ TRÂN |
Nhìn ra phía biển, thấy được tiềm năng, nhớ đến người xưa qua từng câu chuyện ta lại càng vững tin hơn về dự án mà Thủ tướng vừa chỉ đạo khi biết được Cà Mau có chiều dài bờ biển trên 254 km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển vùng ÐBSCL, bằng 7,8% chiều dài bờ biển của cả nước và có nhiều cửa sông ăn thông ra biển như: Gành Hào, Bồ Ðề, Xóm Mũi, Cái Ðôi Vàm, Ông Ðốc, Ông Trang, Bảy Háp, Khánh Hội... Trên biển có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Ðá Bạc, rất thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu, trú bão, phát triển kinh tế biển.
Biển Cà Mau có diện tích thăm dò khai thác rộng, khoảng 71.000 km2, được đánh giá là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại. Trữ lượng cá nổi ước khoảng 320.000 tấn, cá đáy 530.000 tấn, với 661 loài, 319 giống, thuộc 138 họ. Nhiều loại tôm, cá có giá trị và sản lượng lớn như: tôm, mực, ghẹ, cá hồng, cá sạo, cá thu, cá chim, cá mú, cá bớp… Vùng mặt nước ven biển có khả năng nuôi các loại thuỷ sản như: nghêu, sò huyết, hàu, tôm nước mặn… có giá trị kinh tế cao. Sản lượng khai thác, đánh bắt thuỷ sản khoảng 300.000 tấn/năm.
Thế mới biết, tiềm năng biển của Việt Nam là vô cùng, vô tận. Vai trò, vị trí nào của biển trong đời sống văn hoá, kinh tế hay quân sự cũng đều có giá trị vô cùng to lớn. Hơn nữa, những tiềm lực đó cha ông ta đã thay nhau gìn giữ đến ngày nay, để lại cho ta biết bao bài học qua những huyền tích. Chúng ta, lớp hậu sinh, cần phải hiểu rõ vấn đề này để cùng cả nước nói chung phát triển kinh tế biển, giữ vững biên cương lãnh thổ dù có phải “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Ðông”./.
Thạch Nam Phương